TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Các sưu tập hiện vật tại Bảo tàng TP. Cần Thơ

00:00 - 13/11/2017

Hệ thống kho lưu trữ tại Bảo tàng TP. Cần Thơ được quan tâm đầu tư trang thiết bị như: Tủ, kệ, máy điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, quạt hút…đáp ứng tương đối tốt yêu cầu kiểm kê và bảo quản. Với tổng diện tích 03 kho hơn 200m2, tổng số lượng trên 16.000 tư liệu, hiện vật được phân loại và sắp xếp chủ yếu dựa theo chất liệu chính như: gốm, gỗ, đá, kim loại, vải, giấy... Hiện nay, bước đầu Bảo tàng Cần Thơ đã xây dựng được 13 bộ sưu tập hiện vật được phân loại cụ thể như sau:

Sưu tập hiện vật “Khuôn đúc đồ trang sức”.

Sưu tập hiện vật “Đèn gia dụng”.

Sưu tập hiện vật “Gốm sứ Thái Lan”.

Sưu tập hiện vật “Gốm sứ Trung Quốc”.

Sưu tập hiện vật “Gốm Việt Nam”.

Sưu tập hiện vật “Tiền nước ngoài”.

Sưu tập hiện vật “Tiền việt Nam”.

Sưu tập hiện vật “Gốm Óc Eo”.

Sưu tập hiện vật “Trang sức các dân tộc Đồng bằng sông Cửu Long”.

Sưu tập hiện vật “Công cụ lao động sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long”.

Sưu tập “Tư liệu, hiện vật về soạn giả Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền”.

Sưu tập “Tư liệu, hiện vật về Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước”.

Sưu tập hiện vật “Trang phục các dân tộc Đồng bằng sông Cửu Long”.

SƯU TẬP HIỆN VẬT KHUÔN ĐÚC ĐỒ TRANG SỨC

Năm 1990 Bảo tàng Cần Thơ bắt đầu tiến hành thăm dò khảo cổ học về văn hóa Óc Eo với sự giúp đỡ và cộng tác của các cán bộ, giáo sư thuộc Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh. Ở Cần Thơ có nhiều nơi đã phát hiện một số hiện vật văn hóa Óc Eo, các di tích đó chủ yếu phân bố ở Xã Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái, Xã Đông Phước huyện Châu Thành; Xã Long Thạnh (Phụng Hiệp), xã thạnh An, Thạnh Trung (Thốt Nốt), xã Vĩnh Trung (Vị Thanh)… hiện vật văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng Cần Thơ tương đối phong phú về loại hình và chất liệu thu thập được qua các đợt khai quật khảo cổ học và một phần khác do người dân nhượng hoặc tặng. Nhiều nhất là các mãnh gốm, vò gốm, tiếp đến là các hiện vật như tượng bằng gỗ và đá, các cọc gỗ, nắp bình hương, bàn dập, bàn nghiền-chày nghiền, linga-yoni…và đặc biệt là bộ sưu tập hiện vật nổi bật nhất trong tất cả các hiện vật văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng là bộ sưu tập “Khuôn đúc đồ trang sức”. Bộ sưu tập này được các nhà nghiên cứu đánh giá khá cao bởi vì hầu như ở các tỉnh thành có di tích khảo cổ về văn hóa Óc Eo thì không nơi nào có đầy đủ và nhiều hiện vật về khuôn đúc như Bảo tàng Cần Thơ và điều đặc biệt nữa là các hiện vật bằng trang sức như khuyên tai, vòng đeo tay…hiện có tại Bảo tàng khi đối chiếu trên các hiện vật khuôn đúc đa số đều trùng khớp.

Qua các tư liệu nghiên cứu và các hiện vật hiện có , chứng tỏ nghề thủ công trong giai đoạn này phát triển mạnh mẽ như sản xuất đồ gốm, đặc biệt nghề chế tác đồ trang sức với nhiều chất liệu như: kim loại, vàng, bạc hoặc đá quý. Theo các nhà khảo cổ học, người xưa chế tác và sử dụng đồ trang sức với nhiều lý do khác nhau, nhất là đáp ứng nhu cầu làm đẹp, tiếp theo là thể hiện sự giàu có, khẳng định địa vị xã hội và tuân theo tập tục tín ngưỡng. Vì vậy, những hiện vật trang sức Óc Eo được tìm thấy thể hiện tính nghệ thuật và yếu tố thẩm mỹ rất cao. Điều đặc biệt là bộ sưu tập hiện vật khuôn đúc đồ trang sức tại Bảo tàng đa số điều trùng khớp với các hiện vật trang sức hiện có.

Với 15 khuôn đúc kiểu dáng và kích thứơc khác nhau, trong đó 05 khuôn đúc có nhiều hình vật đúc đẹp.

Khuôn đúc thứ nhất:

- Số kí hiệu: BTCT.257/IIN.10

- Chất liệu: đá

- Kích thước: 12,5x10,5x2,3cm

Màu xám, hình chữ nhật, trên bề mặt khuôn đúc có hình 7 vật đúc: vật đúc gồm 2 chiếc nhẫn, một vật đúc dạng trang sức hình chữ nhật có núm đeo, có lẽ là bùa đeo nhưng bị vỡ một phần, có hình con hươu. Một vật đúc dạng dây chuyền có những hạt tròn nhỏ nối dài, khoảng cách các hạt gần đều nhau, một vật đúc dạng các hạt, một vật đúc có dạng hình giống mặt trời. Một vật đúc khác có hình con hươu còn đầy đủ các chi tiết như: đuôi, bốn chân, cổ dài và hai tai. Một vật đúc khuyên tai hình con đĩa.

Khuôn đúc thứ hai:

- Số kí hiệu: BTCT.652/IIN.223

- Chất liệu: đá

- Kích thước: 14,9x9,3x1,8cm

Khuôn dạng hình chữ nhật, trên mặt khuôn có 6 hình vật đúc: 2 khuyên tai hình con đĩa, 1 khuyên tai hình trái bí, 1 vật đúc dài gần bằng chiều dài của khuôn, 1 bùa đeo hình chữ nhật có hình bông hoa 4 cánh, 1 dây chuyền gồm nhiều hạt nhỏ hình cầu liên kết nhau. Ngoài ra, ở hai góc của một đường chéo có 02 lỗ tròn nhỏ, không xuyên thủng, đó là 2 chốt định vị, khi hai mặt khuôn gáp lại với nhau để cố định cho khuôn không xê dịch.

Ở mỗi một vật đúc đều có chỗ để rót kim loại dạng hình phễu, theo thuật ngữ chuyên ngành gọi là đậu rót. Phía dưới đậu rót là ống dẫn nước kim loại vào vật đúc.

Khuôn đúc thứ ba

- Số kí hiệu: BTCT. 904/IIN.344

- Chất liệu: đá

- Kích thước: Dài 10,5-13,5cm

Dạng hình chữ nhật, một mặt có hình 5 vật đúc như : 2 vật đúc khuyên tai hình con đĩa, phần rìa trang trí hình 7 răng cưa, 1 vật đúc dài hình như chiếc đũa bị vỡ mất một đầu, có những gờ nổi chạy vòng quanh, có lẽ vật đúc là chiếc trâm cài tóc; Một vật đúc khác gãy vỡ nhiều cũng có hình dạng gần giống chiếc đũa. Một vật đúc khác có lẽ lý thú và đặc biệt hơn nhưng đã bị vỡ mất một nữa, phần còn lại còn nhận rõ hình nữa mặt người, trên đầu đội mão có lẽ là một vật kỷ niệm dạng huân chương. Mặt còn lại có hình 2 vật đúc, một vật đúc dùng đeo ở tai gồm 3 phần: phần thức nhất là một vòng tròn nhỏ không khép kín, tiếp đến là vật đúc dạng hình trái bí chia nhiều múi và sau cùng là hình dạng trái tim, vật đúc thứ hai có hình vòng tròn khép kín, trên vòng tròn có 16 cặp gờ cách đều nhau, có lẽ đây cũng là đồ trang sức dùng đeo ở tai. Ở một góc khuôn có một lỗ tròn nhỏ chính là chốt định vị làm cho khuôn khớp với nhau khi ráp hai bề mặt lại, ở mỗi vật đúc đều có đậu rót tức là chỗ để rót nước kim loại vào khuôn đúc, những đậu rót này được cấu tạo riêng cho từng vật đúc.

Khuôn đúc thứ tư:

- Số kí hiệu:1029/IIN.357

- Chất liệu: đá

- Kích thước: 21x12,3x2,3cm

Hình chữ nhật, trên bề mặt có hình 10 vật đúc: 3 hình vòng tròn; 3 khuyên tai hình con đĩa; 2 khuyên tai trái bí; 1 bùa đeo hình chữ nhật, bên trong có hoa văn giống con ốc; 1 vật đúc gần giống hình bầu dục có núm đeo. Ngoài ra trên bề mặt khuôn đúc này có khắc hình 3 con ốc và 1 con ngựa ở gần giữa khuôn, nét khắc mờ.

Khuôn đúc thứ năm:

- Số kí hiệu: BTCT.1030/IIN.358

- Chất liệu: đá

- Kích thước: 12,2x10,5x2cm

Hình khối đa giác, một mặt có khắc hình 9 vật đúc như: vòng tròn trơn, kín; khuyên tai hình con đĩa; 1 phần của khuyên tai hình trái bí;  1 vật đúc dài hình trụ tròn nhìn như chiếc đũa có trang trí hoa văn; 1 vật đúc hình chữ nhật có hoa văn khắc vạch; 1 vật đúc hình tứ giác có hoa văn dạng ký hiệu; 1 vật đúc gần tròn bên trong có hình hoa nhiều cánh; 1 vật đúc hình tròn trơn, nhỏ.

Các khuôn đúc còn lại tương đối có ít hình vật đúc và đơn giản hơn 5 khuôn đúc trên.

Phạm Thị Kim Phương

Tin cùng chuyên mục