TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ

CÂY ĐÈN HÌNH NGƯỜI QUỲ

00:00 - 01/06/2023

Chất liệu: Đồng.

Kích thước: Chiều cao: 40cm; Chiều dài: 30cm; Chiều rộng: 27cm.

Niên đại: Văn hoá Đông Sơn, khoảng 2500 - 2000 năm cách ngày nay.

Nơi phát hiện: Lạch Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, năm 1935.

Là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 01/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

 Cây đèn được nhà khảo cổ học Thụy Điển, Olov Janse, phát hiện trong quá trình khai quật ngôi mộ cổ ở Lạch Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) và chuyển về Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) năm 1935.

Cây đèn được tạo hình người đàn ông mình trần, đóng khố trong tư thế quỳ, hai tay bưng đĩa đèn. Tóc cuộn hình xoắn ốc, vấn khăn, đeo hoa tai. Đôi mắt mở to, mí dài, lông mày nổi cao, sống mũi thanh tú, môi dày, miệng mỉm cười. Hai vai và trên lưng có 3 giá đỡ đèn tạo hình chữ “S”. Giữa mỗi giá đỡ, trên hai đùi và sau lưng pho tượng được gắn thêm các khối tượng nhỏ là những nhạc công cũng trong tư thế quỳ. Tượng đeo nhiều đồ trang sức như: vòng cổ, vòng tay và thắt lưng hình hoa sen.

Hoa văn trang trí, đặc điểm nhân chủng, công dụng làm cho cây đèn Lạch Trường có vị trí đặc biệt trong hệ thống đèn Việt Nam, đại diện cho một phong cách nghệ thuật độc đáo, với tư duy thẩm mỹ sâu sắc, kỹ thuật đúc đồng điêu luyện, đặc biệt là nghệ thuật đúc tượng tròn của cư dân giai đoạn văn hóa Đông Sơn muộn. Cây đèn còn là minh chứng thể hiện sự giao lưu, tiếp biến văn hóa khá sôi động ở những thế kỷ đầu Công nguyên.

(Theo https://baovatquocgia.baotangso.com/bao-vat/cay-den-hinh-nguoi-quy)

Tin cùng chuyên mục