Sau khi Cao trào cách mạng 1930 – 1931 bị đàn áp, phong trào tạm thời lắng xuống. Đến những năm 1932 – 1935, các tổ chức cơ sở Đảng dần dần được khôi phục. Cuối năm 1936, phong trào đấu tranh công khai phát triển và lan nhanh khắp cả nước. Ở miền Hậu Giang và nhất là ở Cần Thơ phong trào cách mạng phát triển rầm rộ. Để kịp thời lãnh đạo và chỉ đạo phong trào cách mạng ở từng nơi, phù hợp tình hình thực tế của địa phương, Xứ ủy Nam kỳ ra đời để trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ và phong trào đấu tranh các mạng của nhân dân Nam kỳ.
Xứ ủy Nam kỳ đã thành lập 4 tổ chức Đảng vào năm 1938, lấy tên là Liên Tỉnh ủy, gồm: Liên Tỉnh ủy Gia Định, Liên Tỉnh ủy Mỹ Tho, Liên Tỉnh ủy Long Xuyên và Liên Tỉnh ủy Cần Thơ.
Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam kỳ, năm 1938 Liên Tỉnh ủy Cần Thơ được thành lập để lãnh đạo phong trào đấu tranh công khai và bí mật ở miền Hậu Giang. Phạm vi hoạt động của Liên Tỉnh ủy Cần Thơ gồm các tỉnh: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Rạch Giá, Bạc Liêu, Sa Đéc.
Ở Cần Thơ, tại làng Phú Hữu có phong trào cách mạng nông dân hoạt động cùng với chi bộ Đảng, là hạt nhân của phong trào cách mạng và là chỗ dựa vững chắc cho việc xây dựng cơ quan Liên Tỉnh ủy Cần Thơ, trụ sở đặt tại nhà bà Ngô Thị Lụa, ở rạch Ngã Lá, ấp Phú Lễ, xã Phú Hữu, quận Phụng Hiệp (ngày nay là ấp Phú Hữu, xã Phú Lễ, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Tại đây, cơ quan Liên tỉnh ủy Cần Thơ đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị nhằm kiểm điểm rút kinh nghiệm, đồng thời đề ra chủ trương kế hoạch hoạt động và phân phát tài liệu cho các tỉnh về tổ chức thực hiện; mở nhiều lớp huấn luyện chính trị cho các đảng viên ở các tỉnh miền Hậu Giang và tổ chức nhiều cuộc Hội nghị Liên Tỉnh ủy mở rộng, để triển khai nghị quyết của Xứ ủy cho các Tỉnh ủy miền Hậu Giang.
Mặc dù bị thực dân Pháp khủng bố phong trào cách mạng, nhưng Liên Tỉnh ủy vẫn đứng vững ở căn cứ này chỉ đạo chuyển hướng hoạt động, bảo toàn được lực lượng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của nông dân, như: đòi giảm tô, giảm tức và giành thắng lợi ở vùng Hậu Giang.
Trong suốt thời gian từ năm 1938 đến năm 1940, gia đình bà Ngô Thị Lụa đã hết lòng che chở và đùm bọc cho cơ quan từ việc canh gác trong các cuộc hội họp, in ấn tài liệu, truyền đơn cho đến chỗ ăn, nghỉ của cán bộ. Với tinh thần đùm bọc che chở cho cán bộ của gia đình bà Ngô Thị Lụa và bà con trong xóm Ngã Lá, cơ quan Liên Tỉnh ủy Cần Thơ đã hoạt động bình yên từ năm 1938 đến tháng 11/1940.
Năm 1991, Địa điểm cơ quan Liên Tỉnh ủy Cần Thơ được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.