TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Công tác bảo quản hiện vật tại Bảo tàng TP. Cần Thơ

00:00 - 13/11/2017

Công tác bảo quản của Bảo tàng Cần Thơ đảm nhiệm 2 nhiệm vụ quan trọng: bảo quản phòng ngừa và bảo quản xử lý kĩ thuật trên hiện vật.

- Về công tác bảo quản phòng ngừa:

Bảo quản phòng ngừa là quá trình tìm mọi cách để ngăn hay giảm thiểu sự hủy hoại hiện vật và tất cả những ảnh hưởng mà hàng ngày đang tác động đến sự tồn tại của hiện vật. Việc bảo quản phòng ngừa được thực hiện đồng bộ tại kho bảo tàng và nơi trưng bày hiện vật.

Hiện vật trong kho bảo tàng được sắp xếp một cách khoa học, gọn đẹp giúp cán bộ quản lý hiện vật một cách thuận lợi, phục vụ tốt công tác nghiên cứu khoa học và trưng bày hiện vật. Kho được lắp đặt các thiết bị: máy điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, ẩm kế, hệ thống báo cháy tự động để khống chế nhiệt độ, độ ẩm, báo cháy khi có hỏa hoạn. Cửa ra vào kho luôn đóng kín để hạn chế bụi bẩn, cửa sổ thông gió dán decal để hạn chế ánh sáng trực tiếp từ bên ngoài chiếu vào kho. Phương tiện bảo quản có chất liệu, kích thước phù hợp với từng loại hiện vật. Giá chứa hiện vật có thể điều chỉnh được, cho phép thay đổi trong quá trình sử dụng. Sử dụng tủ, bục, đế, bao bì phù hợp để chứa đựng hiện vật; sử dụng hạt hút ẩm, hạt đinh hương để hút ẩm, xua đuổi côn trùng trong kho. Kho luôn đặt bẩy để đề phòng côn trùng, động vật gây hại hiện vật.

- Về công tác bảo quản xử lý kĩ thuật:

Bảo quản xử lý là việc sử dụng các chất liệu ngoài chất liệu hiện vật gốc, các dung môi, các dụng cụ,…tác động vào hiện vật nhằm mục đích làm ổn định những hư hỏng đã và đang xảy ra để kéo dài tuổi thọ cho hiện vật.

Cán bộ Bảo tàng TP. Cần Thơ đang bảo quản hiện vật

Cán bộ làm công tác bảo quản được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn bảo quản hiện vật tại Trường đại học Văn hóa, các bảo tàng ở thành phố Hồ Chí Minh để học tập, nâng cao nghiệp vụ phục vụ tốt công tác bảo quản tại đơn vị. Tùy vào từng chất liệu sẽ có những phương pháp bảo quản, hóa chất, dụng cụ để bảo quản khác nhau. Hiện vật trong bảo tàng nhìn chung khi sưu tầm về đều có tình trạng tốt, nhưng với các chất liệu như kim loại, gỗ khảo cổ thì nhiều hiện vật có tình trạng xuống cấp và cần xử lý, vì vậy hai chất liệu trên thường phải áp dụng bảo quản trị liệu để xử lý tình trạng trên hiện vật.

Hiện vật kim loại như sắt, đồng thì thường gặp tình trạng bị gỉ sét, oxy hóa ăn mòn. Để xử lý các hiện vật, chúng tôi dùng các biện pháp cơ học như dùng y tế cạo, dùng bàn chải sắt, giấy nhám chà nhẹ để loại bỏ phần gỉ; sau đó dùng bông gòn tẩm Aceton hoặc xăng nhiều lần để lau sạch những chổ gỉ. Sau khi xử lý phần bị gỉ xong, dùng cọ mềm để phủ lớp keo Paraloid B72 hoặc dùng sơn không màu phun trực tiếp lên toàn bộ bề mặt hiện vật để bảo quản.

Với hiện vật gỗ như gỗ khảo cổ, để bảo quản phải đưa hiện vật ra khỏi mặt nước để khô tự nhiên từ 6 tháng sau đó mới tiến hành bảo quản. Hiện vật sau khi được vệ sinh sạch sẽ cho vào thùng kín để hút ẩm bằng túi hút ẩm Silica gel, khử côn trùng nấm mốc bằng thuốc Prallethrin, D-Phonothrin. Để phục chế, gắn chắp lại các vết nứt dài, sâu rộng; các bộ phận bị gãy đôi trên hiện vật phải sử dụng các loại keo 2 thành phần sử dụng thích hợp cho gỗ như keo Akepok, keo Sikadur 752, keo Araldite. Các thành phần được trộn lại với nhau theo tỉ lệ 1:1, có cho thêm các phụ gia như: bột cưa, bột silic, bột màu pigment, sau đó dùng bai để trám lại các chổ cần xử lý. Dùng chổi lông quét phủ keo paraloid B72 trong aceton nồng độ 2% từ 2, 3 lần trên toàn bộ bề mặt hiện vật để bảo quản.

Nhìn chung các phương pháp, dụng cụ, hóa chất sử dụng trong quá trình xử lý hiện vật phần nào đáp ứng được yêu cầu đối với bảo quản hiện vật, hạn chế quá trình xuống cấp và kéo dài tuổi thọ trong tương lai. Các hiện vật khi xử lý xong khi nhập kho cán bộ theo dõi thường xuyên để đánh giá tình trạng hiện vật.

HUỲNH MINH HẢO

Tin cùng chuyên mục