Hàng năm, vào ngày 11, 12 tháng 8 âm lịch, tất cả các gánh hát đều tổ chức lễ giổ Tổ một cách hết sức trang trọng để tưởng nhớ đến tổ nghề. Đây cũng là dịp để các thế hệ nghệ sỹ giao lưu, gặp mặt sau một năm bôn ba lưu diễn.
Lễ cúng Tổ thường tổ chức ở rạp hát hoặc hội trường trong hậu cứ các gánh hát. Trên sân khấu nhìn xuống, ở giữa người ta kê bàn thờ Tổ, bên phải là trang thờ bên trong có một thanh kiếm. Trang thờ này thờ phụng những người theo nghề hát đã khuất. Bên trái là trang thờ những người mến mộ nghề hát đã qua đời. Trước cửa, người ta bày một đôi gióng gánh để thờ những người đi buôn gánh, bán bưng, thương hồ đã chết ngoài bờ bụi, đường sá (cô hồn).
Từ xa xưa, các gánh hát bội, hát cải lương đều có bàn thờ Tổ trong hậu đài. Bàn thờ Tổ là một trang thờ sơn đỏ, ngoài phủ vải the, bên trong có thờ hai cốt ông bằng gỗ cây vông. Cốt ông được gọt đẽo nhỏ cỡ con búp bê của trẻ em chơi, mặc quần trắng, áo màu xanh, vàng hoặc đỏ, đầu chít khăn, được đào, kép gọi là ông "Làng".
Giới nghệ sĩ truyền miệng sự tích về ông tổ nghề hát như sau:
Ngày xưa, có một ông vua đã già nhưng chưa có người nối ngôi. Ông cùng hoàng hậu ngày đêm cầu khấn Trời Phật và đi lễ nhiều nơi để cầu tự. Mỗi lần làm lễ cầu tự, vua đều sai người đóng vai thần linh, giả bay lên trời, vừa múa hát, dâng sớ cầu cho hoàng hậu hạ sinh hoàng tử. Không lâu sau, hoàng hậu thọ thai và sinh được hai hoàng tử. Nhà vua vui mừng, làm lễ tạ ơn Trời Phật, vua cho diễn lại cảnh thần linh cưỡi mây lên trời, có đờn ca, hát xướng. Từ đó, theo thông lệ, hàng năm vua đều có tổ chức lễ. Trước hết là tạ ơn Trời Phật, sau là để mở hội giải trí vui vẻ trong cung đình.
Hai vị hoàng tử ngay từ lúc nhỏ đã mê xem hát, quên cả ăn, ngủ. Vì thế, hai người trở nên ốm yếu, xanh xao. Vua cha lo lắng, cấm không cho xem hát nữa. Vào một đêm, hai vị hoàng tử lén vua cha, ôm nhau trốn trong góc hí trường để xem hát. Khi tuồng hát đã vãn, thấy vắng con, nhà vua sai người đi tìm kiếm khắp nơi. Quân lính tìm thấy hai hoàng tử, nhưng họ đã ôm nhau chết cóng vì đói lã và kiệt sức.
Sau đó, đoàn hát thấy hai vị hoàng tử thường hiện hồn về xem hát. Giới đào, kép lập bàn thờ, tôn làm Tổ, gọi là ông hoàng. Lâu dần, giới nghệ sĩ vì kiêng kỵ, gọi trại thành ông "Làng".
Ngoài truyền thuyết trên, một số gánh hát còn thờ chung tất cả những vị tổ nghề có liên quan. Bàn thờ của họ thờ 12 vị tổ của 12 nghề, gọi là thập nhị công nghệ (múa, hát, hốt thuốc, mộc, đi buôn, rèn, v.v.).
Một số gánh hát bội còn thờ ông tổ là Đào Duy Từ (1572-1634), hậu tổ là Đào Tấn (1845-1907).
Sau năm 1975, một số người cho rằng thờ cúng hai tượng gỗ trong gánh hát là "mê tín dị đoan". Các gánh hát không còn thờ tượng hai ông "làng" nữa, thay vào đó rước bài vị về thờ. Trên bài vị có ghi: bốn chữ giữa là Tiên Sư Tổ Sư, hai bên có câu đối:
Tổ truyền thiện nghệ thiên thu thịnh,
Sư giáo tài năng vạn đại xuân.
Hàng năm, vào ngày 11, 12 tháng 8 âm lịch, tất cả các gánh hát đều tổ chức lễ giổ Tổ một cách hết sức trang trọng để tưởng nhớ đến tổ nghề. Đây cũng là dịp để các thế hệ nghệ sỹ giao lưu, gặp mặt sau một năm bôn ba lưu diễn.
Lễ cúng Tổ thường tổ chức ở rạp hát hoặc hội trường trong hậu cứ các gánh hát. Trên sân khấu nhìn xuống, ở giữa người ta kê bàn thờ Tổ, bên phải là trang thờ bên trong có một thanh kiếm. Trang thờ này thờ phụng những người theo nghề hát đã khuất. Bên trái là trang thờ những người mến mộ nghề hát đã qua đời. Trước cửa, người ta bày một đôi gióng gánh để thờ những người đi buôn gánh, bán bưng, thương hồ đã chết ngoài bờ bụi, đường sá (cô hồn).
Ngày 11 tháng 8 âm lịch, các gánh hát cúng Tổ bằng tiệc chay: hoa quả, bánh nước. Sang ngày 12 tháng 8 âm lịch, gánh hát mới cúng tiệc mặn, chủ yếu: heo quay, heo trắng, bánh bò, bánh hỏi.
Ngày xưa, người ta có cử ra chủ lễ là người cao tuổi, có uy tín trong gánh hát. Sau khi lên đèn, gióng 3 hồi trống, chủ lễ bước lên bàn thờ Tổ, dâng hương, khấn vái: "Cung thỉnh chư vị Tổ Sư, Thánh Sư, Tiên Sư, Tam giác đạo sư, Thập nhị công nghệ, Lão lang đại thần, Tiền hiền, Hậu hiền...cảm ứng chứng minh”.
Sau ông chủ lễ, lần lượt đến các diễn viên, nhân viên của gánh lên dâng hương, khấn vái tổ nghiệp phù hộ. Kế đó, họ diễn lại một số tiết mục, trích đoạn để hầu Tổ và giao lưu với khách mời.
Cúng Tổ ở Nhà hát Tây Đô TP.Cần Thơ năm 2017 - Ảnh: Ngọc Anh
Không chỉ trong ngày giỗ Tổ, nghệ sĩ mới cúng bái mà ngày thường, trước khi bước ra sân khấu biểu diễn, họ cũng thắp nhang, khấn vái trước bàn thờ, mong Tổ phù hộ cho vai diễn của mình. Ai cũng tin rằng, nếu không làm như thế, họ sẽ bị "Tổ trác": đột ngột mất hơi, quên lời, rớt nhịp, rớt phục trang, đạo cụ... Từ "Tổ trác" được lan truyền trong dân gian sang nhiều lĩnh vực khác. Đi giăng lưới, giăng câu, đi làm ăn, buôn bán... thất bát, lỗ lả, người ta cho rằng bị "Tổ trác"!
Ngoài ra, vì tôn thờ Tổ, gánh hát còn kiêng kỵ những điều liên luỵ đến Tổ như:
-Cấm khán giả vào coi hát đem theo trái thị vì sợ Tổ (vốn là trẻ con, thích trái thị) bỏ gánh hát đi theo ra ngoài. Lý giải việc này có người cho rằng mùi của trái thị gây sự chú ý cho diễn viên, khiến họ mất tập trung. Gỗ cây thị dùng để tạc tượng các tổ sư.
-Khi hoá trang chuẩn bị ra hát trong hậu đài, đào, kép không được cười đùa, giỡn hớt, ăn nói thô tục,... Vì làm như thế sẽ kinh động đến Tổ, làm mất tập trung.
-Ngoài buổi diễn, tập tuồng, không được khua trống, vì cho rằng trống là một bộ phận cơ thể của ông Tổ.
-Đào, kép hát không được mang guốc vông, vì cây vông dùng để tạc tượng ông Tổ, nếu lấy gỗ vông mang dưới chân là có tội với Tổ.
Tổ của hát chèo là bà Phạm Thị Trân. Bà Phạm Thị Trân hiệu là Huyền Nữ, sinh năm 926 ở Hồng Châu (Hải Dương, Hưng Yên ngày nay), mất ngày 12 tháng 8 âm lịch năm 976. Bà là một phụ nữ có nhan sắc, có tài múa hát, chủ chốt các nhóm, đoàn đi múa hát và làm trò thời đó. Bà được một vị quan lại địa phương tiến cử với vua Đinh Tiên Hoàng. Tại kinh đô Hoa Lư, bà được giao nhiệm vụ dạy quân lính múa hát, đánh trống, đàn, diễn các tích trò, thời đó gọi là hát trò nhời (lời) hay gọi là hát chèo. Cách rước trống chèo của bà Phạm Thị Trân có sức cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân sĩ. Nghệ thuật hát chèo ra đời từ đó và phát triển ra cả vùng đồng bằng Bắc bộ. Ngày nay giới hát chèo tôn là bà tổ của hát chèo và cũng là vị tổ nghề đầu tiên của ngành sân khấu Việt Nam. Lễ giỗ bà được tổ chức ngày 12 tháng 8 âm lịch hàng năm.
Nhà thờ tổ của hát tuồng thờ chư vị thánh tổ gồm 12 vị, chia làm 3 ngôi: thượng, trung và hạ vị. Tượng các vị thánh tổ làm bằng gỗ cây thị, mặc áo dài, đội khăn đóng, mang hia hoặc hài. Có ý kiến cho rằng 12 vị tổ tượng trưng cho các nghề trong xã hội: sĩ, nông, công, thương...
Kế đến, giới hát tuồng xem tiên tổ của mình là ông Đào Duy Từ (1572-1634). Đào Duy Từ là một nhà quân sự, nhà thơ, một người rất giỏi về âm nhạc và tổ chức âm nhạc. Quê ông ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa, do xuất thân con nhà hát xướng nên không được đi thi ở triều Lê. Phẫn chí, ông vào Đàng trong, được chúa Nguyễn Phúc Nguyên trọng dụng phong làm quan Nội tán, tước Lộc Khê hầu. Đào Duy Từ lập ra Hòa thanh thự (tương tự như nhà hát) trong triều đình gồm ba đội. Đội nhất, đội ba chuyên về nhạc, đội nhì chuyên về ca, múa.
Hậu tổ hát tuồng là thi sĩ, nhà soạn tuồng Đào Tấn. Đào Tấn hiệu là Mai Tăng, sinh năm 1845 ở Bình Định và mất vào ngày Rằm tháng 7 năm Đinh Tỵ (1907). Ông là tác giả hàng trăm bài ca thơ và từ, người đào tạo nhiều đào, kép hát. Ông còn là một đạo diễn và là nhà lý luận sân khấu tài ba. Tên ông được đặt cho Nhà hát tuồng Đào Tấn ở thành phố Quy Nhơn.
Lễ giỗ tổ hát tuồng diễn ra một năm 2 lần gọi là Xuân kỳ (tháng 3 âm lịch ) và Thu tế (tháng 8 âm lịch), nghi thức khá phức tạp. Ngoài ra, giới hát tuồng còn tổ chức lễ giỗ hậu tổ vào ngày mất của cụ Đào Tấn (Rằm tháng 7 âm lịch). Lễ giỗ này chỉ cúng các đồ chay tịnh.
Qua việc so sánh trên cho thấy: Tập tục cúng tổ nghề hát lưu truyền theo dòng người di dân từ miền Bắc, miền Trung vào vùng Nam bộ. Từ tổ hát chèo ở miền Bắc có xác định rõ tổ là ai, cúng giỗ đúng ngày mất, khi vào miền Trung rồi Nam bộ đã có sự "pha trộn", "tổng hợp". Vào đến Nam bộ, ông tổ nghề hát không còn là một người cụ thể. Đó là sự thay thế bằng một truyền thuyết, sự tổng hợp các bậc thánh hiền, tổ sư, những nghệ nhân tiền bối, những bậc thầy các ngành nghề, kể cả những đồng nghiệp quá cố.
Năm 2010, Ban bí thư Trung ương Đảng đã quyết định lấy ngày 12/8 Âm lịch hàng năm làm Ngày Sân khấu Việt Nam. Từ đây, giới sân khấu cả nước có ngày hội riêng tôn vinh ngành nghệ thuật của mình.
Cần có công trình nghiên cứu về sự giao lưu và tiếp biến văn hoá trong hiện tượng cúng tổ nghề hát. Qua đó, có thể gạn đục khơi trong, gạt bỏ những điều phi lý và để nhìn nhận cái cốt lõi là nhu cầu văn hoá tâm linh và truyền thống tốt đẹp “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn” những người đi hát.
Bài & ảnh: Ngọc Anh
Tài liệu tham khảo:
-Trần Ngọc Ánh, Những bà tổ nghề Việt Nam, Báo Phụ nữ.
-Thuý Vi, Giỗ tổ hát bội ở Bình Định, Báo Bình Định ra ngày 23/3/2003.
-Hát chèo Việt Nam-Tuồng Việt Nam, website Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (cinet.vn).