- Chủ nhiệm đề tài: Huỳnh Thanh Sơn, Hoàng Bửu Hiếu, Huỳnh Đỉnh Chung
- Thực hiện: Hoàng Bửu Hiếu, Đặng Kim Quy, Ngô Minh Trung
- Thời gian thực hiện: năm 2005
So với các làng nghề chiếu khác trong nước, nghề dệt chiếu ở Cái Chanh xuất hiện muộn hơn và không ghi nhận một tổ nghề thống nhất với nghề dệt chiếu ở miền Bắc, dù cư dân ở đây cũng như các nơi khác ở đồng bằng sông Cửu Long cũng là hậu bối của người Việt ở sông Hồng, Ngũ Quảng. Biết đâu chính cây lác hoang dại mọc bạt ngàn đã thôi thúc sự hình thành nghề dệt chiếu lúc đầu ở Cái Chanh, do các di dân Việt đến khai phá, định cư và gây dựng nên? Điều này có thể thấy qua việc nghề dệt chiếu ở Cái Chanh không có tổ nghề và những kiêng kỵ như những nghề khác như thợ mộc, thợ may chẳng hạn.
Việc tự hình thành, phát triển trên cơ sở nhu cầu và đặc thù của điều kiện sống đã tạo nên một phương thức sản xuất khác biệt so với các làng nghề dệt chiếu truyền thống ở các nơi khác đã có trước đó. Tính cách phóng khoáng, năng động, đặc trưng của người Nam bộ còn thể hiện qua cung cách làm nghề. Người thợ dệt ở đây bỏ tiền mua nguyên liệu thô, khi thu hoạch, sơ chế họ không tận thu những cây lác thấp nhỏ mà để cho người khác sử dụng với quan niệm “mình có cơm phải để người khác ăn cháo” dù đời sống còn rất nhiều thiếu thốn. Với sự năng động của những người mở đất, khung dệt ở đây lúc nào cũng dệt hai chiếc, tiết kiệm được thời gian đi trân lên khung dệt nên năng suất thợ dệt chiếu ở đây khá cao. Hay như với loại nước ngọt tại chỗ cho ra sợi lác nguyên liệu trắng, nhuyễn, thợ dệt ở đây chuyên dệt loại chiếu trơn để tạo nên một đặc trưng so với chiếu Định Yên (Đồng Tháp) sử dụng nguyên liệu lác nhập về từ vùng nước mặn không được trắng nên thường làm chiếu bông. Chính là sự năng động trong cạnh tranh đã giúp làng nghề Cái Chanh đứng vững được trong cơ chế thị trường hiện nay cũng như đã tồn tại với thời gian qua bao thăng trầm.