TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ

ĐỀN HẠ

00:00 - 23/05/2023

Tương truyền, nơi đây mẹ Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai - nguồn gốc của cộng đồng người Việt, nghĩa “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây.

Đền Hạ được xây dựng trên nền đất cũ vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII – XVIII). Kiến trúc kiểu chữ “nhị” (=) gồm hai toà tiền tế và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m. Kiến trúc đơn sơ kèo cầu suốt, bẩy gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước. Đốc xây liền tường với đốc hậu cung, hai bên đắp phù điêu, một bên voi, một bên ngựa. Bờ nóc phẳng, không trang trí mỹ thuật.

Trong đền có 4 ban thờ, 3 ban ở giữa có long ngai và bài vị thờ Thần Núi và 18 đời Hùng Vương; ban đầu đốc không có bài vị, trong bài văn tế xưa của cư dân địa phương có ghi ban này thờ Nhị vị công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa – con gái Vua Hùng thứ 18.

Sau đền có giếng cổ, còn gọi là giếng Rồng. Tương truyền, sau khi sinh bọc trăm trứng, nở trăm người con trai, mẹ Âu Cơ đã dùng nước giếng này tắm cho các con của mình.

 (Nguồn: “Đền Hùng - Di tích quốc gia đặc biệt”, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc).