TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ

ĐỀN THƯỢNG

00:00 - 23/05/2023

Đền Thượng nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, có tên chữ là “Kính Thiên Lĩnh Điện” (điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Tương truyền, thời Hùng Vương các Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để thực hành các nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Tục truyền đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi, về sau, nhân dân đặt thêm bài vị vua Hùng vào thờ cúng.

Đền Thượng có kiến trúc kiểu chữ Vương, gồm các tòa: Đại bái, Tiền tế và Hậu cung được làm kiểu chữ Vương, được xây dựng theo kiến trúc truyền thống với hệ thống cột gỗ lim sơn son thếp vàng, mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch Bát Tràng. Đặc biệt, các họa tiết trang trí được chạm khắc tinh xảo, tạo sự uy nghiêm bề thế cho ngôi đền.

Hậu cung Đền Thượng có 4 ban thờ, trong đó, 3 ban ở giữa có long ngai và bài vị thờ Thần Núi và 18 đời Hùng Vương; ban đầu đốc không có bài vị, trong bài văn tế xưa của cư dân địa phương có ghi ban này thờ Nhị vị công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa – con gái Vua Hùng thứ 18.

Đền Thượng là nơi tổ chức nghi lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch. Nơi đây, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, cùng đồng bào từ khắp mọi miền đất nước và kiều bào nước ngoài hành hương lên núi Nghĩa Lĩnh, thành kính dâng nén tâm nhang để tri ân công đức của tổ tiên và cầu mong cho quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn.

Bên phía tay trái đền có một cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Vương. Cột đá cao 1,3m, rộng 0,3m, hình vuông. Đến năm 1968, Ty Văn hoá Vĩnh Phú tôn tạo lên bệ như hiện nay. 

(Nguồn: “Đền Hùng - Di tích quốc gia đặc biệt”, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc).

Tin cùng chuyên mục