TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ

ĐỀN TRUNG

00:00 - 23/05/2023

ĐỀN TRUNG (CÓ TÊN CHỮ LÀ HÙNG VƯƠNG TỔ MIẾU) 

Tương truyền, tại nơi đây các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước.

Vào thời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh thắng giặc Ân xâm lược, Vua Hùng muốn chọn người nhường ngôi vua, bèn cho gọi các con về núi Nghĩa Lĩnh, cho mở cuộc thi tìm lễ vật dâng cúng tổ tiên, chọn người con kế vị vừa có tài, có đức lại có lòng hiếu kính cha mẹ, yêu non sông đất nước.

Lang Liêu là người con trai út, vốn có lòng thương dân, yêu lao động, hiếu thảo đã sáng tạo ra cách làm bánh chưng vuông tượng trưng cho đất và bánh giầy tròn tượng trưng cho trời. Ở giữa bánh chưng có nhân hành, thịt mỡ, đỗ xanh tượng trưng cho vạn vật sinh tồn; bên ngoài bọc lá dong xanh tượng trưng cho sự thương yêu đùm bọc của cộng đồng. Vua rất hài lòng với sự thông minh, sáng tạo và ý nghĩ sâu sắc của bánh chưng, bánh giầy nên đã truyền ngôi cho Lang Liêu. Lang Liêu nối nghiệp cha trở thành Vua Hùng Vương thứ 7 (tên húy là Hùng Chiêu Vương).

Đền được xây dựng vào thời Lý – Trần sau bị giặc Minh tàn phá. Đến thế kỷ XV nhân dân địa phương xây dựng lại. Thời nhà Nguyễn được tôn tạo theo kiến trúc hình chữ nhất. Năm 2009, đền Trung được đại trùng tu với kiển trúc kiểu chữ “nhị” (=) như hiện nay.

Trong đền có 4 ban thờ, 3 ban ở giữa có long ngai và bài vị thờ Thần Núi và 18 đời Hùng Vương; ban đầu đốc không có bài vị, trong bài văn tế xưa của cư dân địa phương có ghi ban này thờ Nhị vị công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa – con gái Vua Hùng thứ 18.

(Nguồn: “Đền Hùng - Di tích quốc gia đặc biệt”, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc).

Tin cùng chuyên mục