TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đo lường - trong đời sống người dân đồng bằng sông Cửu Long

00:00 - 22/04/2024

TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ ĐO LƯỜNG TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Đo lường có vai trò quan trọng trong đời sống, được hình thành theo quy ước của mỗi dân tộc, địa phương để phục vụ sinh hoạt hàng ngày và trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…

Hệ thống đo lường (cân, đong, đo, đếm) là sự biểu hiện một cách trực tiếp và cụ thể phương thức tư duy, cách tính toán, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của từng quốc gia, dân tộc. Hệ thống đo lường trước đây ở đồng bằng sông Cửu Long khá phong phú, cách đo lường thường theo hai hệ thống: đo lường dân gian và đo lường theo quy chuẩn. Đo lường dân gian không theo khuôn khổ nhất định, tùy theo địa phương mà dài ngắn, nhiều ít, già non khác nhau, thường dùng những phương tiện sẵn có tại chỗ như: tầm, sào, chục 10, chục 12, chục 14, chục 16… Càng về sau việc cân, đong, đo, đếm càng có tiến bộ hơn với hệ thống các loại cân, thước…theo quy chuẩn.

Trưng bày chuyên đề Đo lường trong đời sống người dân đồng bằng sông Cửu Long do Bảo tàng thành phố thực hiện. Trưng bày giới thiệu đến khách quan hơn 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật qua bộ sưu tập: Cân, đong, đo, đếm được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như: đồng, sắt, gỗ... từ cuối thế kỷ XIX cho đến nay. Đo lường giúp chúng ta thu thập số liệu, thông tin cơ bản chính xác, minh bạch và chuẩn hóa các đơn vị cũng như phương pháp đo. Cách thức giao dịch cân, đong, đo, đếm của người dân Nam Bộ nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng khá phong phú, với nhiều kiểu thức khác nhau, không chỉ phản ánh trình độ kỹ thuật, phương pháp tư duy, tính toán, mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người đồng bằng sông Cửu Long, đó là tính phóng khoán, linh hoạt thể hiện hòa đồng và trọng nghĩa tình của người dân trong các hoạt động trao đổi mua bán cũng như trong đời sống xã hội.

Trưng bày có các bộ sưu tập giới thiệu về cân, đo, đong, đếm dùng trong đời sống người dân đồng bằng sông Cửu Long như sau:

BỘ SƯU TẬP DỤNG CỤ DÙNG ĐỂ CÂN

Cân là thiết bị dùng để xác định trọng lượng hoặc khối lượng của một vật thể. Sự xuất hiện của chiếc cân cho thấy việc giao thương buôn bán hàng hóa trong xã hội phát triển, đòi hỏi tính chính xác minh bạch, và đáng tin cậy trong quá trình đo lường.

Cân dùng trong giao thương ở đồng bằng sông Cửu Long có nhiều loại như cân tiểu ly, cân xách, cân dĩa, cân đồng hồ… Các đơn vị dùng trong mua bán phổ biến là tấn, tạ, yến, kg, gram (riêng đối cân tiểu ly đơn vị đo là lạng, dùng cân quý kim hoặc dược liệu). Tùy theo loại hàng hóa và nhu cầu của người dùng mà chọn loại cân phù hợp. 

Một tiệm sửa cân tiểu ly những năm đầu thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Cân lúa đóng đảm phụ

Cân  bắp cải trên chợ nổi. Ảnh Triệu Vinh

Cân để ước lượng lượng nếp cho đều để gói bánh tét. Ảnh: Thi Nhân

Góc buôn bán nhỏ của một tiểu thương bán rau ở chợ truyền thống sử dụng cân nhỏ để mua bán Ảnh: Thi Nhân

Cân cá tra ở Cồn Sơn. Ảnh: Triệu Vinh

. Một tiểu thương bán dừa sử dụng cân quả tạ để cân dừa khô bán cho khách. Ảnh: Thi Nhân.

Cân bóng để dùng trong xổ số của công ty xổ số kiến thiết Cần Thơ. Ảnh: Thi Nhân

BỘ SƯU TẬP DỤNG CỤ DÙNG ĐỂ ĐONG

Người dân đồng bằng sông Cửu Long thường đong các chất lỏng như: nước mắm, nước tương, dầu hỏa và các loại hạt ngũ cốc như: lúa, gạo, bắp, đậu...

Các dụng cụ dùng để đong chất lỏng phổ biến là cóng, lít…với các đơn vị đong: xị, lít (04 xị bằng 01 lít); Đong lúa, gạo và các loại hạt thì dùng lon, lít, táo, thúng… 

Tùy mỗi nơi sẽ có đơn vị đong khác nhau miễn sao tiện dụng và phổ biến, người dân đồng bằng sông Cửu Long còn dùng lon sữa bò để ước lượng, ví dụ: 03 lon bằng 01 lít, 04 lon tương đương 01ki lô gram. Cách đong này một số nơi ở miền Tây hiện vẫn còn dùng. 

. Làm thúng giạ - đơn vị đo lường xưa. Ảnh: Triệu Vinh

. Dụng cụ đong lường làm bánh tráng Thuận Hưng. Ảnh: Triệu Vinh

Mua quýt Tết trên chợ nổi Phong Điền tính bằng cần xé. Ảnh: Triệu Vinh

Đong lúa vào bao.Ảnh: Triệu Vinh

Trâu cộ lúa .Ảnh: Triệu Vinh

VÁCH TRUNG TÂM

BỘ SƯU TẬP DỤNG CỤ DÙNG ĐO

Thước đo của người dân đồng bằng sông Cửu Long xưa về cơ bản gồm 3 loại chính: thước đo vải (thước may), thước đo ruộng đất (thước ruộng) và thước mộc (còn gọi thước ta). Đơn vị sử dụng để đo centimet (cm), mét (m)…

Theo những người thợ may xưa, thước đo vải được hình thành bởi khuôn khổ của chiếc khung dệt cổ truyền, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử trong xã hội, thước đo vải hầu như thay đổi không đáng kể. Ở đồng bằng sông Cửu Long cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có các loại thước đo vải dài 70 cm, 71 cm, 73 cm tùy mỗi nơi người dân sử dụng. Đến thập niên 30 (thế kỷ XX), người dân dùng thước ta (dân gian gọi thước ba mươi) hình chữ nhật, dài 71 cm (01 thước ta) để may áo, may gối. Sau này thợ may dùng phổ biến là thước 5 tấc (50 cm) hình ô val hay thước dây, để đo may…

Thước đo ruộng đất, ở đồng bằng sông Cửu Long dưới triều Nguyễn thường dùng cây Điền xích (dài 47 cm), đến khi Nam kỳ bị thực dân Pháp chiếm, áp dụng thước đo của người phương Tây, tức hệ thước mét để đo ruộng đất. Sau này đo đất tính theo công, tầm (tầm điền), một tầm thường dài 2.6 m (có nơi dùng tầm 2,7 m hoặc 0,3 m); một công chuẩn theo quy định 1.296 m2, nhưng dùng phổ biến 1.000 m2.

Thước mộc, là loại thước khá phức tạp bởi bao gồm nhiều hệ khác nhau, cụ thể gồm ba hệ chính: hệ thước đo độ dài, hệ thước kỹ thuật hay thước nghề, hệ thước tín ngưỡng hay thước Lỗ Ban, thước Chu Nguyên. Ngày nay thước mộc rất phong phú: thước eke góc vuông, thước kéo, thước rút, cuộn... Tùy vào tính chất công việc mà người dùng thước đo phù hợp.

Máy đo lượng màu hạt gạo của công ty gạo việt ở Thốt Nốt. Ảnh: Thi Nhân

Đo tỉ lệ bóng để dùng trong xổ số của Công ty Xổ số kiến thiết Cần Thơ. Ảnh: Thi Nhân

Đo chiều cao tăng trưởng của cây trồng ở khu công nghệ cao

Máy đếm hạt lúa giống của viện lúa đồng bằng sông Cửu long. Ảnh: Thi Nhân

May cờ chuẩn bị cho ngày giải phóng 30.4

BỘ SƯU TẬP DỤNG CỤ DÙNG ĐỂ ĐẾM

Chất hào sảng, sự phong phú, đa dạng được thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành nên nhiều nét văn hóa dân gian độc đáo, trong đó có cách thức đếm hàng hóa. Người dân ở đây thường đếm chục, trăm, thiên đối với trái cây; đếm xấp, đếm bó với rau, lá hoặc mua mão bán mớ. Tuy nhiên, đối với một số loại hàng hóa khác, hay tiền tệ vẫn có những dụng cụ dùng để đếm vô cùng đặc biệt như: vi đong tiền, thẻ đong lúa, …

Vi đong/đếm tiền sử dụng dưới triều Nguyễn, dùng đếm tiền kẽm trong dân gian. Đơn vị tính là quan, 600 đồng tiền kẽm = 01 quan tiền, do đó muốn đếm nhanh người ta dùng đến vi đong tiền. Vi đong tiền có loại 02 rãnh, 03 rãnh hay 04 rãnh, mỗi rãnh đong được 600 đồng tiền.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, những nhà khá giả có nhiều ruộng hoặc chành thu mua lúa/gạo ở Nam Bộ dùng thẻ đong lúa phát cho nhân công khuân vác để kiểm soát số lượng xuất/nhập vào kho. Thẻ đong lúa thường có ba loại: cỡ nhỏ (thẻ 01 giạ), cỡ trung (thẻ 10 giạ) và cỡ lớn (thẻ 100 giạ = thẻ thiên); 01 giạ thông thường là 20 ki lô gram (kg), nhưng tùy loại hàng hóa có nơi 01 giạ hơn 20 kg (ví dụ: 01 giạ gạo là 30 kg, 01 giạ muối là 45 kg...). Bên cạnh cách tính đong, đếm trên, cũng như các nơi khác hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long còn dùng nhiều công cụ khác để đếm phổ biến như: bàn tính gỗ, các loại đồng hồ đếm thời gian…

Đặt thẻ tre để đếm số lượng bao lúa chuyển lên ghe hàng. Ảnh: Thi Nhân

Cân và đếm xoài. Ảnh: Triệu Vinh

Cắt và đếm bánh tráng Ảnh: Triệu Vinh

Trúc được bán bằng bó tính bằng bó tại xóm đan đát Trà Uối, quận Thốt Nốt. Ảnh: Triệu Vinh

Máy đếm tiền của liên xô những năm 1960. Ảnh: Ngọc Anh.

Đồng hồ đá ở Bạc Liêu. Ảnh: Triệu Vinh

Đếm thời gian. Ảnh: Triệu Vinh