- Chủ nhiệm đề tài: Trịnh Quang Hưng, Hoàng Bửu Hiếu, Huỳnh Đỉnh Chung
- Thực hiện: Hoàng Bửu Hiếu, Nhâm Hùng, Hoàng Hương, Trần Đức Hùng, Nguyễn Thị Mỹ
- Thời gian thực hiện: năm 1999
Trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam, Hát Ru là một thể loại đặc biệt mà hầu như dân tộc nào cũng đều có! Hát ru nảy sinh do nhu cầu thiết yếu của sự sinh tồn và phát triển của nhân loại. 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam đều có những bài hát ru của riêng mình. Từ khắp vùng cao ở Đông Bắc, Việt Bắc và Tây Bắc, người Hmong có “Khống vui nhủa” (hát ru con), người Tày có “Ứ noọng nòn” (ru trẻ) hoặc “Vén eng” (Ru em), người Thái có “Lả nón dớ” (ngủ đi em)...
Ở Tây Nguyên, người Ba Na có ru cháu, người Xê Đăng có “ru con”, người Hơ Rê có “Bia Broóc” (Ru con), người Ranglay có ru con. Ở Ninh Thuận, người Chăm có “Ru a nưk” (Ru con). Người Khmer Nam bộ Ru con (Bom pê Rôn), Ru em (Bom pê ôn). Riêng người Việt ở Bắc bộ , Trung bộ và Nam bộ, mỗi miền đều có những lối hát ru độc đáo mang dấu ấn riêng.
Tại Cần Thơ nói riêng và khắp khu vực Nam bộ nói chung, Hát ru thường được gọi là HÁT ĐƯA EM” hoặc hát “ầu ơ ví dầu”. Hầu như hát đưa em thường hay mở đầu bằng những tiếng láy đưa hơi “ơ ầu ơ”, giai điệu dựa vào lòng bản đặc trưng mà ngoài đất Nam bộ ra, ta ít bắt gặp chúng xuất hiện ở bất cứ nơi nào. Từ thuở lọt lòng, tâm hồn đứa trẻ thấm nhuần giọng hát ầu ơ dịu dàng, vỗ về trìu mến của ông bà, Cha Mẹ và chị giữa trưa hè oi bức hay giữa đêm yên ả. Điệu hát đưa em hòa cùng tiếng võng kẽo kẹt cứ triền miên ngân nga hết câu này sang câu khác.
Phương tiện ru là võng, cái nôi, cánh tay, lồng ngực. Thời gian ru không giới hạn; môi trường diễn xướng thật rộng rãi: có thể ôm bé nằm đong đưa trên võng ngoài mái hiên, có thể ôm trẻ áp sát trong lồng ngực vừa ru vừa nựng nịu, vừa đi lững thững trong nhà (hoặc đang ngồi trên tàu, trên xe, trên ghe). Và người Mẹ (hoặc chị) có thể vừa vá áo, vừa đưa cái võng, chiếc nôi cho bé ngủ....