Đây là quyển sách nằm trong bộ sách “Sưu khảo các tỉnh, thành năm xưa” của nhà biên khảo Huỳnh Minh do nhà xuất bản Cánh Bằng xuất bản lần đầu vào năm 1966, riêng quyển sách này được tái bản năm 2001.
Sách có độ dày 251 trang, chia thành 6 chương với các nội dung:
- Phần thứ nhất “Cần Thơ xưa qua các thời đại” trình bày lịch sử địa lý Cần Thơ từ đầu thế kỷ XVIII đến năm 1958 lần lượt với các tên gọi Trấn Giang, Phong Phú, Phong Dinh và cuối cùng là tên gọi Cần Thơ cho đến bây giờ.
- Phần thứ hai “giới thiệu về các nhân vật lịch sử của Cần Thơ” như: Mạc Thiên Tứ, Mạc Tử Sanh, Võ Duy Tập, Nguyễn Văn Tồn, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thị Tồn, Phan Văn Trị, Đinh Sâm, Nguyễn Thần Hiến, Lê Quang Chiểu, Phan Văn Chi.
- Phần thứ ba ”Ghi chép về di tích, huyền sử, giai thoại ở Cần Thơ” như: Sự tích Đình thần Tân An, Đình thần Bình Thuỷ; Giai thoại địa danh Bình Thuỷ Long Tuyền; Xóm Bà Đồ, Rạch cầu Tham Tướng, Xưởng đúc tiền của Nam Triều…
- Phần bốn đề cập đến “sinh hoạt tôn giáo của người dân Cần Thơ” với các bài viết như: Viếng nhà thờ Chánh Toà, Chùa Hiệp Thiên Cung Trang ở Cái Răng, Du tăng khất sĩ…
- Phần năm trình bày về “văn hoá nghệ thuật, giáo dục, báo chí Cần Thơ“ qua các bài viết như: Sinh hoạt văn hoá, Bộ môn sân khấu, Trường trung học, Hai tờ báo đầu tiên, Cần Thơ qua thi ca, Phong tục tập quán qua ca dao.
- Phần sáu ghi chép về “sinh hoạt các ngành nghề của Cần Thơ xưa”
Quyển sách là nguồn tư liệu quý giúp người đọc hiểu thêm về lịch sử, địa lý, nhân vật, sự kiện, thắng cảnh của vùng đất Cần Thơ xưa – nơi được mệnh danh là Tây Đô, thủ phủ của Miền tây. Là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện quyển sách “Cần Thơ xưa” của tác giả Huỳnh Minh được lưu giữ tại tủ sách Bảo tàng thành phố Cần Thơ với mã số “654”.