Thành phố Cần Thơ có một trữ lượng về văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, gồm nhiều thể loại như ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lễ hội, lối sống, nếp sống, văn hóa ẩm thực, nghề thủ công truyền thống… Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản này, thời gian qua Bảo tàng thành phố Cần Thơ đã thực hiện nhiều đề tài, dự án liên quan như: Hát ru ở Cần Thơ, Nghề dệt chiếu cái Chanh, Lễ cầu an của đồng bào Khmer, Nhạc lễ Triều Châu ở Thiên Hòa miếu, Lẩu mắm Cần Thơ… Đặc biệt, đã có 03 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Lễ Kỳ Yên đình Bình Thủy và Hò Cần Thơ.
Hò Cần Thơ nằm trong hệ thống hò Nam Bộ, được hình thành trên cơ sở kế thừa những điệu hò của lưu dân người Việt từ vùng đất Ngũ Quảng vào Nam khai khẩn. Đặc biệt là ở thế kỷ XIX, khi nhiều dòng người tập trung về đây khai phá đất đai thành những cánh đồng mênh mông thẳng cánh cò bay, những con sông, kinh rạch được nối dài… điệu hò ấy gần như đã thoát gốc, được sáng tạo, cải biên phù hợp với hoàn cảnh môi sinh cũng như phong tục và ngôn ngữ của con người Cần Thơ.
Về nội dung, hò Cần Thơ có quan hệ chặt chẽ với ca dao, sử dụng ca dao làm chất liệu để sáng tác, bên cạnh đó là những bài hò ngắn bằng văn vần-thơ lục bát, song thất lục bát chính thống/biến thể được người nông dân sáng tác và lưu truyền chủ yếu bằng hình thức truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó phản ánh con người, vùng đất Nam bộ nói chung, Cần Thơ nói riêng trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần, trong đó có những bài hò được sáng tác tại vùng đất và những bài được tiếp thu, kế thừa từ những vùng miền khác nhau, có khi của cả miền Bắc và miền Trung.
Về thể điệu, hò Cần Thơ nổi trội với 03 điệu chính:
Điệu huê tình-một thể điệu không riêng có ở Cần Thơ, được phổ biến dọc theo hai bờ sông Hậu, lên tới Đồng Nai và xuống tận Cà Mau, thậm chí lan ra đến các đảo Phú Quốc và các đảo nhỏ thuộc Kiên Giang (nên còn được gọi là hò sông Hậu). Hò huê tình ở Cần Thơ cũng như ở các địa phương khác ở Nam Bộ, thường là hò đối đáp giữa nam và nữ hoặc hò tự sự, hò suông một mình, không có rước hơi phụ họa (con xô) mà chỉ có người xướng (cái kể). Nét nhạc thường lượn trên thang 4 âm re fa sol la, man mác buồn nhưng không não nuột, ủ rũ.
Hò cấy ở Cần Thơ hầu hết là hò đối đáp, diễn ra trong không gian ruộng đồng và gắn với hoạt động cấy lúa là chính. Chủ thể là những người đi cấy thuê, cấy mướn, vần công. Để vơi bớt mệt nhọc họ cùng chia sẻ với nhau qua lời hò. Hò cấy thường trải qua giai đoạn mở đầu là của người/nhóm người nam, với lời hò rao, hò mời, hỏi thăm, tự xưng… chủ yếu để dò hiểu đối phương. Sau đó, tùy theo lời hò đáp lại của người/nhóm người nữ mà mở lời kết bạn, giao duyên hay là trêu ghẹo, xỉa xói và cuối cùng là hò giã biệt, hò hẹn nhau ngày/mùa cấy mới. Mỗi cuộc hò đều có các lớp mái (cái kể) và lớp trống (con xô) kết hợp xen kẽ nhau. Phần xô (một người/nhiều người phụ họa) ngoài chức năng hỗ trợ cho người hò chính (phần kể) khỏi hụt hơi còn giúp họ có thời gian sáng tạo ý hò mới. Mỗi câu hò có đủ 03 vận, mỗi một vận phải có phần kể và phần xô.
Hò mái dài thường diễn ra trên sông nước, gắn với hoạt động chèo ghe, chèo thuyền. Chủ thể phần lớn là giới thương hồ. Điệu mái dài ở Cần Thơ có cấu trúc: lấy hơi-lời kể-ngân hơi. Lấy hơi dài hay ngắn là do người hò. Lời kể là phần chính yếu của cái kể, được biến hóa vô chừng, âm điệu giãn nở và lời hò tiếp nối liên tục. Ngân hơi kết thúc để chờ lớp trống (con xô) rước hơi cũng là một thử thách tài năng của người hò chính.
Trong thời kỳ đô thị hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, nhịp sống ở vùng nông thôn trở nên hối hả, môi trường diễn xướng hò bị thu hẹp, người thực hành hò ngày càng ít đi. Để bảo tồn di sản, bên cạnh nỗ lực thực hiện nhiều đợt điền dã, nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, ghi chép, ghi âm, ký âm các câu hò; tuyên truyền giá trị di sản qua các phương tiện truyền thông; vận động các câu lạc bộ đờn ca tài tử, các văn nghệ sĩ đưa hò vào tập luyện, trình diễn cũng như đưa vào sáng tác các tác phẩm mới,… Thời gian tới Bảo tàng thành phố Cần Thơ sẽ cho xuất bản sách giới thiệu với công chúng về loại hình di sản độc đáo này./.
Thu Thắm
Một số video về Hò Cần Thơ:
Hò Cần Thơ: /baotang_files/video/Ho-Can-Tho-web(1).mp4
Hò huê tình: /baotang_files/video/Ho-Hue-tinh-1-web.mp4
Hò huê tình: /baotang_files/video/Ho-Hue-tinh-3-web.mp4
Hò huê tình: /baotang_files/video/Ho-Hue-tinh-2-web.mp4
Hò mái dài: /baotang_files/video/Ho-Mai-Dai-web.mp4
Hò mái dài: /baotang_files/video/Ho-Mai-Dai-2-web.mp4