TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ

KHĂN THÊU - MICRO - BẢN TUYÊN BỐ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CÁCH MẠNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ PHÁT TRÊN ĐÀI PHÁT THANH CẦN THƠ LÚC 15 GIỜ NGÀY 30/4/1975 - CỜ MẶT TRẬN

00:00 - 16/09/2024

KHĂN THÊU/MẪU THÊU

Bà Trần Thị Hồng Thắng, Ban Chấp hành Phụ nữ xã Tân Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ tự làm khi bị giam ở Khám lớn Cần Thơ năm 1970, do tham gia hoạt động cách mạng: Đội biệt động thị trấn Một Ngàn, tỉnh Cần Thơ.

Bà Trần Thị Hồng Thắng (sinh năm 1950, ở ấp Nhơn Xuân, xã Nhơn Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ) tham gia cách mạng năm 1968, từng học cứu thương ở Quân y huyện Châu Thành, sau đó về Đội biệt động thị trấn Một Ngàn, tỉnh Cần Thơ hoạt động. Trong lúc đi công tác giao liên, bà bị chiêu hồi chỉ mặt nên bị địch bắt và giam ở Một Ngàn 2,5 tháng. Sau đó, chuyển bà về giam giữ tại Khám Lớn Cần Thơ (từ 26/3/1970 đến 26/4/1970). Trong thời gian bị giam giữ tại đây, bà đã học thêu từ các bạn tù. Vải do gia đình gởi, chỉ thêu bà xin của các bạn.

Đây là sản phẩm học thêu của bà trong thời gian bị giam cầm ở Khám lớn Cần Thơ. Chiếc khăn tay thêu có thể chưa hoàn thiện, nhưng ở một góc thêu cành hoa và đôi chim bồ câu, với đường chỉ nhiều màu sắc, như một mơ ước đất nước trong cảnh thanh bình.

Ngày 25/10/1997, nhân cuộc họp mặt tù binh tù chính trị huyện Châu Thành, bà Hồng Thắm đã tặng kỷ vật khăn thêu cho Bảo tàng Cần Thơ.

MICRO

Micro được đồng chí Nguyễn Văn Lưu (Bí danh Năm Bình) dùng khi đọc lời kêu gọi đồng bào Cần Thơ nổi dậy giành chính quyền lúc 15h ngày 30/4/1975.

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị thông qua “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, giao nhiệm vụ cho Tây Nam Bộ phải kềm chế sân bay Trà Nóc và cắt đứt Quốc lộ 4, không cho địch từ Sài Gòn xuống Cần Thơ và từ Cần Thơ lên Sài Gòn, ngăn chặn tình huống địch thất thủ ở Sài Gòn, kéo về miền Tây cố thủ. Khu ủy đã quyết định chọn thành phố Cần Thơ là trọng điểm trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Tây Nam Bộ.

Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ tổ chức Hội nghị mở rộng vào ngày 22/4/1975 tại Cảng Chủ Hàng, xã Vĩnh Tường, huyện Long Mỹ. Trong 3 ngày (22 - 24/4/1975), Hội nghị đã triển khai Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương Cục miền Nam, hạ quyết tâm giải phóng tỉnh Cần Thơ trong chiến dịch lịch sử này.

Trải qua nhiều ngày chiến đấu, quân ta đã thần tốc giành chiến thắng. Vào 14 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, đồng chí Nguyễn Văn Lưu cùng đồng chí Trương Văn Biên và lực lượng cán bộ tự vệ, nhiếp ảnh, cơ sở mật (12 đồng chí) có trang bị 4 khẩu súng từ Tham Tướng tiến thẳng vào chiếm Đài Phát thanh Cần Thơ. Đến 15 giờ cùng ngày, bản tuyên bố đầu tiên của Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố Cần Thơ do đồng chí Nguyễn Văn Lưu (đại diện Ủy ban Khởi nghĩa thành phố Cần Thơ) đọc, phát trên sóng của Đài Phát thanh Cần Thơ.

BẢN TUYÊN BỐ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CÁCH MẠNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ PHÁT TRÊN ĐÀI PHÁT THANH CẦN THƠ LÚC 15 GIỜ NGÀY 30/4/1975

Sau khi được Ủy ban khởi nghĩa thành phố Cần Thơ phân công chiếm Đài phát thanh và đọc lời kêu gọi, đồng chí Nguyễn Văn Lưu đã hội ý với các thành viên tổ C14 đi từ Tham Tướng đến đài bằng xe honda, tự thảo lời kêu gọi và đọc trên sóng phát thanh của đài. (Văn bản đã hư cũ, đồng chí viết lại rồi photocopy gửi bảo tàng làm tư liệu trưng bày). Lời đọc đó còn được thu vào một cuộn băng chuyên dùng của đài để có thể phát lại khi cần. Lời kêu gọi được đọc trong khoảng hơn 1 phút, sau đó đồng chí Năm Bình còn đưa một bài -  một thông báo của Ủy ban khởi nghĩa kêu gọi các công chức các ngành trở lại cơ quan làm việc để phát thanh viên đọc trên sóng của đài. Lời kêu gọi của Ủy ban khởi nghĩa được sang ra băng cassette phục vụ cho việc kỷ niệm ngày 30/4/1975 tại Cần Thơ sau này.

Nội dung bản tuyên bố của Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố Cần Thơ: Kêu gọi đồng bào hãy bình tĩnh giữ gìn trật tự an ninh chung và các tổ chức quần chúng lực lượng thứ ba, các tôn giáo góp phần giữ gìn trật tự an ninh chung. Tuyên bố xóa bỏ ngụy quyền và đồng bào hãy bảo vệ tài sản của công cho chính quyền cách mạng, ủng hộ và tích cực góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng.

Bản tuyên bố lúc đó được viết trên loại giấy pô-luya, loại giấy mỏng để đánh máy, viết bằng mực bút bi màu xanh đậm. Đồng chí Nguyễn Văn Lưu giữ cho đến khoảng năm 1990 photo 1 mặt loại giấy vàng giấy A4, (20,5cm x 32,5cm). Sau này đồng chí lại photo ra một bản nữa loại giấy trắng khổ A4 (21cm x 29,7cm). Còn bản gốc đã bị mối ăn.

CỜ MẶT TRẬN

Trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược đầy gian khổ của nhân dân ta, bên cạnh mũi đấu tranh quân sự thì mũi đấu tranh chính trị cũng hết sức quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.

Từ năm 1960, khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, Nhân dân miền Nam đã sử dụng cờ này vào các ngày lễ, cổ vũ phong trào cách mạng cho đến ngày hòa bình, thống nhất nước nhà. Cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, được sử dụng từ năm 1960 đến năm 1975.

Trong thời gian năm 1968, giặc bình định ác liệt, gia đình ông Trần Văn Hộ may lá cờ này và sử dụng trong các phong trào đấu tranh của địa phương và treo trong các ngày lễ.

Tin cùng chuyên mục