TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ

MÕ/MÕ MÙ U - MÕ TRE - TẦM VONG

00:00 - 16/09/2024

MÕ/MÕ MÙ U; MÕ TRE

Mõ được sử dụng phổ biến trong đời sống nông thôn người Việt xưa. Tùy chức nǎng sử dụng mõ có kích thước, hình dáng khác nhau như: hình cá trắm, trụ tròn, hình trăng khuyết, làm bằng gỗ hay từ gốc tre già, hoặc bằng sừng,.. bên trong khoét rỗng, dọc thân có một khe dài hình chữ nhật.

Mõ dùng dùi để đánh hay gõ, âm thanh rõ, mộc mạc, vang rền.

Có các loại mõ như: Mõ làng, mõ trâu, …

Mõ làng sử dụng trong nghi lễ cúng đình, hoặc khi có việc làng, hay những sự kiện đột xuất cần để báo hiệu cho dân làng. Mõ thường làm bằng gỗ, hình trụ tròn kích thước lớn, đặt nằm ngang trên giá đỡ ở đình; ngoài ra có loại làm bằng tre thường có hình trăng khuyết, kích thước nhỏ có thể treo hoặc cầm tay để đánh.

Ở Nam Bộ, mõ được làm phổ biến từ thân cây mù u (nên còn được gọi là mõ mù u), hình trụ tròn dài, không có chạm khắc hoặc tạo tác hình dáng con cá.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mõ là phương tiện truyền tin thô sơ, độc đáo và hiệu quả. Mõ dùng báo động/ám hiệu thông báo địch vào xóm làng để lực lượng cách mạng kịp thời ẩn trú an toàn; mõ dùng tập hợp  Nhân dân đoàn kết đứng lên chống thực dân, góp phần tạo khí thế cách mạng, ngăn chặn địch đàn áp Nhân dân và bố ráp, bắt bớ lực lượng cách mạng.

Mõ/mõ mù u này hình trụ tròn dài 88cm, đường kính 16cm, bên trong khoét rỗng, dọc thân có một khe dài hình chữ nhật. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mõ này được người dân ấp Láng Hầm, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ dùng để báo động/ám hiệu tập hợp quần chúng Nhân dân đấu tranh chống thực dân.

TẦM VÔNG

Kỷ vật lưu niệm thời trai trẻ nhiệt huyết tham gia phong trào giết giặc cứu nước của ông Phạm Văn Tiền (sinh năm 1911, tại Cần Thơ), Đoàn trưởng thanh niên tiền phong ấp Thới Nhựt, xã An Bình, Cần Thơ, tự tạo để tham gia đấu tranh chống thực dân trong các phong trào thanh niên ở địa phương, năm 1945.

Vào tháng 5/1945, tổ chức Thanh niên tiền phong ở Nam kỳ do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm thủ lĩnh ra mắt ở Sài Gòn. Sau đó phát triển rất mạnh ở nhiều tỉnh ở Nam Kỳ, và không chỉ dừng lại trong thành phần thanh niên mà bao gồm các lứa tuổi khác nhau. Ở Cần Thơ, tổ chức Thanh niên tiền phong phát triển rất nhanh, lan rộng từ thành thị đến nông thôn. Ông Phạm Văn Tiền là một trong những thành viên trong tổ chức của Thanh niên tiền phong. Tầm vông/Gậy tầm vông được ông tự tạo, làm từ thân cây tầm vông, dài 165 cm. Ngày 15/5/1986, ông trao gậy tầm vông lại cho Bảo tàng Cần Thơ phục vụ công tác trưng bày.