Nhiều năm qua, công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường trên địa bàn TP Cần Thơ đạt được kết quả nổi bật, với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Những bài học về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào truyền thống dân tộc được chuyển tải, kiến tạo nền tảng nhân văn để thế hệ trẻ tự tin hội nhập.
Công tác giáo dục truyền thống, di sản được sự quan tâm phối hợp của nhiều cơ quan, đoàn thể, địa phương. Trong ảnh: Buổi nói chuyện truyền thống kết hợp tổ chức chương trình “Tự hào người Cần Thơ” do Đoàn phường An Thới (quận Bình Thủy) phối hợp Bảo tàng thành phố và Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa thực hiện.
“Tự hào người Cần Thơ”
Giữa tháng 8, tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, chương trình “Tự hào người Cần Thơ” do Bảo tàng thành phố tổ chức đã thu hút hàng trăm học sinh và cả phụ huynh tham dự. Các em được cung cấp các kiến thức về việc xây dựng nếp sống văn hóa, người Cần Thơ trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch, được củng cố kiến thức qua các trò chơi vui nhộn. Khi thuyết minh viên Nguyễn Thị Hoàng Oanh đặt các câu hỏi như: “Hãy đọc một câu ca dao có nhắc đến địa danh Cần Thơ”, “Kể tên một thành phố trực thuộc Trung ương ở ÐBSCL”, “Kể tên 5 tiêu chí xây dựng người Cần Thơ”... các em hăng hái xung phong, trả lời đúng các câu hỏi. Là người gắn bó với chương trình này ngay từ đầu, chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh chia sẻ rằng, các em học sinh rất thích và hăng hái tham gia các hoạt động của chương trình. Ðiều đó tiếp cho chị thêm niềm vui và cũng cho thấy hiệu quả chương trình này.
Chương trình “Tự hào người Cần Thơ” là một trong những điểm nhấn trong công tác giáo dục truyền thống, di sản văn hóa trong học đường thời gian qua. Năm học 2022-2023, Bảo tàng TP Cần Thơ đã ký kết phối hợp với 31 trường học trên địa bàn thành phố, ở cả 3 cấp: Tiểu học, THCS và THPT. Qua đó, các hoạt động thu hút hơn 110.000 lượt giáo viên và học sinh tham gia, với các nội dung phong phú như giáo dục truyền thống, tuyên truyền về các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, tên đường và một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Năm học qua, Bảo tàng thành phố đón hơn 35.500 lượt khách, trong đó có 99 trường học của thành phố với 132 đoàn tham quan, trải nghiệm. Em Nguyễn Lan Anh, sinh viên Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ, cho biết: “Tham quan bảo tàng, em hiểu hơn về văn hóa lịch sử của Cần Thơ. Nhờ vậy, em có thêm kiến thức, vốn sống và sự trải nghiệm”.
Ðiểm nhấn trong hoạt động giáo dục di sản vừa qua là Hội thi tuyên truyền về di sản văn hóa và điểm đến du lịch di sản địa phương năm 2023. Có 9 đội thi gồm học sinh các quận, huyện đã cùng giới thiệu về vẻ đẹp di sản của quê hương mình. Học sinh Thốt Nốt tái hiện di sản nghề làm bánh tráng Thuận Hưng, vườn cò Bằng Lăng; học sinh Ô Môn nói về vẻ đẹp di sản hát ru Cần Thơ; học sinh Bình Thủy giới thiệu di tích Ðình Bình Thủy... Không chỉ là những tiết mục thi diễn, qua việc học hỏi, tra cứu, tìm hiểu và tập luyện, những kiến thức về di sản sẽ lắng đọng nên những kiến thức cho các em. Em Nguyễn Thị Bảo Ngọc, học sinh Trường THCS Tân Thới, huyện Phong Ðiền, nói: “Em và các bạn chuẩn bị kỹ, tìm thêm nhiều tài liệu với sự giúp sức của thầy cô để có phần dự thi tốt nhất. Em rất vui khi được giới thiệu di sản văn hóa trên quê hương mình”.
Ông Lê Hồng Ðông, Giám đốc Bảo tàng TP Cần Thơ, cho biết: Công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong trường học thời gian qua được sự quan tâm của ngành Văn hóa và ngành Giáo dục. Ðặc biệt trong triển khai thực hiện, sự đồng hành của các trường học trên địa bàn thành phố đã giúp các hoạt động phong phú, hấp dẫn và có sức lan tỏa.
Trường THPT Giai Xuân (huyện Phong Ðiền) là điển hình. Thầy Trần Thanh Quí, Bí thư Ðoàn trường, cho biết: Hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được lồng ghép trong nhiều môn học như Lịch sử, Ðịa lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân... hay qua các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa. Nhà trường còn tổ chức nhiều chuyến giao lưu, tham quan thực tế tại các di tích ở Cần Thơ, Ðồng Tháp, An Giang... Nhắc lại lần phối hợp với Bảo tàng thành phố tổ chức chương trình giới thiệu 5 Bảo vật quốc gia và chương trình “Tự hào người Cần Thơ”, thầy Quí cho biết, những buổi nói chuyện truyền cảm, nhiều kiến thức của cán bộ Bảo tàng thành phố không chỉ cuốn hút học sinh mà cả giáo viên của trường.
Ở bậc THCS, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Ninh Kiều) được gọi vui là “mối ruột” của Bảo tàng TP Cần Thơ khi phối hợp thực hiện các hoạt động giáo dục truyền thống, di sản văn hóa suốt hơn 15 năm qua. Cô Nguyễn Lâm Hằng Phượng, Tổng phụ trách Ðội Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, cho biết: Qua rất nhiều chương trình mà học sinh nhà trường đã tham gia như “Học cùng nghệ nhân”, “Tự hào người Cần Thơ”, “Tìm về di sản”... những kiến thức lịch sử, văn hóa đã được chuyển tải trọn vẹn. Kể về lần cho học sinh tham quan Ðền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ, được thuyết minh viên diễn giải kỹ càng ý nghĩa của từng hạng mục công trình, cô Phượng chia sẻ: “Chúng tôi rất trân trọng những tình cảm của các cán bộ bảo tàng. Thật đẹp biết bao khi có những người biết yêu lịch sử, miệt mài tìm những cảm hứng mới, nét đẹp mới, lối sinh hoạt mới, không ngại khó để giúp học trò có thêm niềm vui, động lực và bổ sung kiến thức”.
Học sinh, sinh viên tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng TP Cần Thơ.
Chung tay đưa di sản văn hóa đến thế hệ trẻ
Nhiều năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Sở Giáo dục và Ðào tạo đã ký kết phối hợp công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường cho từng năm học và cụ thể hóa thông qua hoạt động của Bảo tàng phối hợp với các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, kết quả phấn khởi của công tác này thời gian qua phải ghi nhận sự phối hợp, trách nhiệm của các đơn vị như các Phòng Giáo dục và Ðào tạo, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền Thanh quận, huyện và đặc biệt là các trường học. Ngoài ra, các hoạt động còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ Thành đoàn, Quận đoàn, Huyện đoàn và các cơ quan đoàn thể trên địa bàn thành phố.
Chủ đề cho công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường năm học 2023-2024 là “Ứng dụng công nghệ số trong công tác đưa di sản văn hóa đến thế hệ trẻ”. Trong đó, việc giúp học sinh tiếp cận những kiến thức về lịch sử, di sản bằng công nghệ số được chú trọng. Dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua, nhân triển lãm ảnh và trưng bày chuyên đề, Bảo tàng TP Cần Thơ đã giới thiệu không gian trải nghiệm số hóa di sản để du khách, học sinh, sinh viên tham quan, trải nghiệm trực tuyến. Trước đó, việc gắn mã QR giới thiệu hiện vật, di tích... cũng được triển khai, phát huy hiệu quả.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”. Thông qua các hoạt động giáo dục truyền thống, di sản văn hóa cho tuổi trẻ, TP Cần Thơ đã và đang góp phần hiện thực hóa “kim chỉ nam” này. Ðể sau này các em lớn lên, những nền tảng văn hóa, lịch sử đầy nhân văn sẽ là bệ phóng giúp các em tự tin hội nhập, khẳng định bản thân. Kỳ vọng, một thế hệ trẻ trưởng thành sẽ là “công dân toàn cầu” mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Tin, ảnh: Đăng Huỳnh