Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật của Nam Bộ có nguồn gốc từ nhạc cung đình Huế, được ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Ban đầu chỉ có đờn, về sau này mới xuất hiện thêm hình thức ca dần dần gọi thành đờn ca.
Về bài bản của đờn ca tài tử thì có nhiều nhưng đa số các bậc thầy của đờn ca và các chuyên gia cho rằng đờn ca có 20 bài tổ được gọi là “nhị thập huyền tổ bản” . Trong đó, có 03 bài bản thuộc điệu thức Nam, 06 bài bản thuộc điệu thức Bắc, 07 bài bản thuộc điệu thức Bắc lễ (bài hạ, bài cò) và 04 bài bản thuộc điệu thức oán.
Dàn nhạc tài tử sử dụng chủ yếu là các loại nhạc cụ như: đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn bầu, song loan. Sau này có thêm đờn tỳ bà hoặc tiêu, sáo, ghi-ta phím lõm...
Đờn ca tài tử được tổ chức ở mọi nơi, vào lúc các nghệ nhân rảnh rỗi, ngẫu hứng và thường không thể thiếu trong các đám tiệc. Là một dòng âm nhạc bác học được những người bình dân diễn xướng nên đờn ca tài tử vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay.
Biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ du kháchở làng du lịch Mỹ Khánh, Cần Thơ. Ảnh Triệu Vinh
Cần Thơ được đánh giá là một trong những cái nôi phát triển Đờn ca tài tử, với Ban Đờn ca tài tử Nhơn Ái (Phong Điền) ra đời vào thập niên đầu thế kỷ XX. Cần Thơ còn có những nghệ nhân, nghệ sĩ lừng danh thuộc thế hệ tiên phong trong lĩnh vực Đơn ca tài tử, sân khấu cải lương như: Nghệ sĩ nhân dân Tám Danh, nghệ sĩ Bảy Nhiêu; các danh ca tài tử: Năm Cần Thơ, Năm Thốt Nốt, Bạch Huệ, Công Thành cùng các soạn giả Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền, Điêu Huyền,…
Đờn ca tài tử là một phần bản sắc của người dân Nam Bộ, được trao truyền từ đời này qua đời khác, đảm bảo tính tiếp nối liên tục. Ngày 05 tháng 12 năm 2013, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bảo tàng thành phố Cần Thơ