Sau ngày đất nước được giải phóng, khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, từ xí nghiệp đến hầm mỏ đều tổ chức các cuộc triển lãm khác nhau nhằm phục vụ các nhiệm vụ công tác chuyên môn.
Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm bởi đây là phương tiện tuyên truyền giáo dục có hiệu quả nhất. Từ đây, việc xây dựng các thiết chế văn hoá như: bảo tàng, phòng truyền thống cũng nhanh chóng được triển khai. Để giúp cho công tác triển lãm có thêm những tài liệu tham khảo và nghiên cứu, nhà xuất bản Văn hóa – Nghệ thuật đã xuất bản quyển sách “Nghệ thuật trang trí triển lãm và bảo tàng” của tác giả Ngô Lao (do Trần Công Tá dịch từ giáo trình của Học viện mỹ thuật Trung Quốc).
Với độ dày 124 trang, nội dung thể hiện qua 8 chương nêu lên được tầm quan trọng của nghệ thuật trang trí triển lãm như: các vấn đề trong việc chuẩn bị, cách bố trí không gian, sử dụng ánh sáng, liệt kê các dụng cụ trưng bày hiện vật, màu sắc trong nghệ thuật triển lãm cũng như nghệ thuật trang trí và nghệ thuật kiến trúc của nhà triển lãm, những ví dụ cho sự thành công cũng như thất bại và những tư tưởng sai lệch trong công tác triển lãm.
Đây là nguồn tài liệu tham khảo rất cần thiết cho các nhà nghiên cứu, các cán bộ văn hóa chuyên ngành như: Quản lý văn hóa, Văn hóa quần chúng, Văn hóa học, Văn hóa du lịch, Bảo tàng…hiện đang được Bảo tàng thành phố Cần Thơ lưu giữ với mã số “2253”.