TỤC ĐÓN TẾT CỔ TRUYỀN CỦA DÂN TỘC KINH
TẾT CỔ TRUYỀN CỦA DÂN TỘC KINH DIỄN RA VÀO NHỮNG NGÀY ĐẦU TIÊN CỦA NĂM ÂM LỊCH, LÀ DỊP LỄ QUAN TRỌNG VÀ LỚN NHẤT TRONG NĂM, GỌI LÀ TẾT NGUYÊN ĐÁN CỦA NGƯỜI VIỆT (CÒN GỌI LÀ TẾT TA HAY TẾT ÂM LỊCH).
TRƯỚC KHI ĐÓN TẾT, GIA ĐÌNH DỌN DẸP NHÀ CỬA SẠCH SẼ, TƯƠM TẤT, TRANG HOÀNG BÀN THỜ GIA TIÊN, CHUẨN BỊ CÀNH MAI VÀNG, NẤU NỒI BÁNH TÉT, MUA SẮM CÁC LOẠI BÁNH MỨT, HOA, QUẢ, … VÀ THỰC HIỆN NHIỀU PHONG TỤC, TẬP QUÁN ĐỂ ĐÓN TẾT. KHỞI ĐẦU LÀ LỄ CÚNG ÔNG TÁO ĐƯỢC ẤN ĐỊNH VÀO NGÀY 23 THÁNG CHẠP, KẾ TIẾP LÀ LỄ DỰNG NÊU, LỄ CÚNG RƯỚC ÔNG BÀ, … ĐẾN THỜI KHẮC CHUYỂN GIAO GIỮA NĂM CŨ SANG NĂM MỚI LÀ LỄ ĐÓN GIAO THỪA (LỄ TRỪ TỊCH). THEO PHONG TỤC, MỖI GIA ĐÌNH CHUẨN BỊ LỄ VẬT: TRẦU, CAU, GẠO, MUỐI… ĐỂ CÚNG TẠ ƠN TRỜI, ĐẤT, THẦN LINH, TỔ TIÊN VÀ CẦU AN GIA ĐÌNH KHỎE MẠNH, AN LÀNH, THỊNH VƯỢNG… SAU KHI ĐÓN GIAO THỪA SẼ VÀO NĂM MỚI. VÀO NHỮNG NGÀY ĐẦU NĂM, MỌI NGƯỜI HÂN HOAN, MẶC QUẦN ÁO MỚI, TRƯỚC KHI XUẤT HÀNH VUI XUÂN SẼ THỰC HIỆN CÁC PHONG TỤC NHƯ: XÔNG ĐẤT, MỪNG TUỔI ÔNG BÀ, CHA MẸ, ĐI LỄ CHÙA… THEO PHONG TỤC ĐÓN TẾT, ĐẾN NGÀY MÙNG BẢY CÁC GIA ĐÌNH SẼ LÀM LỄ HẠ NÊU, KẾT THÚC PHONG TỤC ĐÓN TẾT.
TẾT LÀ DỊP GIA ĐÌNH ĐOÀN VIÊN VÀ TRI ÂN ĐẾN BẬC TỔ TIÊN, ÔNG BÀ, CHA MẸ; LÀ DỊP MỌI NGƯỜI GẶP GỠ CẦU CHÚC CHO NHAU NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP TRONG CUỘC SỐNG, THỂ HIỆN SỰ GẮN KẾT TÌNH LÀNG, NGHĨA XÓM. ĐÂY CŨNG LÀ NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM.
BAN TỔ CHỨC
Chăm sóc hoa Tết tại làng hoa Bà Bộ, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Triệu Vinh
Chợ hoa ngày Tết. Ảnh: Hồng Phú
Nghi thức cúng ông Táo. Ảnh: Thi Nhân
Khoảnh khắc giao thừa. Ảnh: Triệu Vinh
Dựng cây nêu ngày Tết tại đình Bình Thủy. Ảnh: Võ Nguyên Thủy
KHUÔN BÁNH KẸP
Chất liệu: kim loại
Niên đại: cuối thế kỷ XX
Vật dụng làm bánh kẹp của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là loại bánh truyền thống của người Việt, thường được dùng để cúng ông bà, đãi khách vào dịp lễ, Tết…
Bánh được làm từ bột gạo, đường, trứng gà, nước cốt dừa. Sau khi khuôn được làm nóng trên than, người làm sẽ múc hỗn hợp vào vá và đổ lên một mặt khuôn với lượng vừa đủ, sau đó ép mặt khuôn còn lại, chờ bánh vàng, gấp bánh lại làm tư hoặc cuộn vào thanh gỗ để tạo hình bánh.
KHUÔN BÁNH IN
Chất liệu: gỗ
Niên đại:cuối thế kỷ XX
Vật dụng tạo hình bánh in của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là loại khuôn 4 mặt với các hoa văn tạo hình: bát quái, quạt, chữ song hỷ, bầu rượu.
Bánh in là loại bánh truyền thống, phổ biến của người Việt, thường xuất hiện trong các dịp lễ, Tết. Đây là loại bánh được làm từ bột năng, bột nếp, đâu xanh…Sau khi được làm chín sẽ được nén vào khuôn để tạo hình.
KHUÔN BÁNH BÔNG LAN
Chất liệu: Kim loại
Niên đại: cuối thế kỷ XX
Vật dụng tạo hình bánh bông lan của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bánh bông lan là loại bánh truyền thống của người Việt, được dùng để cúng ông bà, đãi khách vào dịp lễ, Tết…
Bánh được làm từ bột mì ngang, bột mì tinh, đường và trứng gà. Sau khi đánh đều vào nhau, hỗn hợp sẽ được cho vào từng ô trong khuôn và nướng trên than nóng.
Đây là loại khuôn có nhiều khuôn nhỏ với nhiều hoa văn: con sò, con cua, con cá, hoa cúc…
CÙ LAO
Chất liệu: kim loại
Niên đại: cuối thế kỷ XX
Kích thước:
Vật dụng dùng trong sinh hoạt ăn uống của người Việt vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Cù lao hay còn gọi là lẩu - loại vật dụng chủ yếu giữ nóng thức ăn có kết cấu lỏng như canh, súp…thường được sử dụng mỗi khi đãi khách, lễ tiệc.
Hiện vật có cấu tạo 2 phần chính: vòng trũng ngoài dùng đựng thức ăn, phần ống rỗng ở giữa dùng chứa than nóng.
LIỄN ĐỐI
Chất liệu: gỗ cẩn ốc
Niên đại: cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX
Kích thước: 24,5 x 220 cm
Nội dung trên liễn được phiên âm: Thụy khải hoa đường, xuân huyên tịnh xán vân hà lệ
Tường khai thượng uyển, lan quế liên phương vũ lộc tân
Tạm dịch nghĩa: Điềm tốt mở đến nhà cha mẹ xán lạn rực rỡ như ráng mây đẹp.
Phúc lành mở, vườn thượng uyển lan quế cỏ thơm luôn trong ân mưa móc mới.
BỘ LƯ HƯƠNG
Chất liệu: Kim loại
Niên đại: thế kỷ XX
Vật dụng dùng trong phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt ở Nam Bộ.
Thờ tổ tiên là phong tục của người Việt. Trong nhà, con cháu dành nơi trang trọng nhất để đặt tủ thờ hoặc bàn thờ. Trên tủ/bàn đặt các vật dụng: bộ lư (gồm lư và chân đèn); lư cắm nhang, chò, bình hoa, ống cắm nhang, đèn dầu…
Bộ lư hương gồm 03 món: 01 lư và 02 chân đèn. Lư dùng để đốt trầm hương, chân đèn dùng làm đế cắm đèn cầy. Trầm và đèn cầy chỉ được đốt và thắp sáng khi trong nhà có lễ, Tết…