TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Sưu tập hiện vật về "Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền"

00:00 - 30/10/2018

Mộc Quán (1876-1953) tên thật là Nguyễn Trọng Quyền, là người có công hình thành và phát triển sân khấu cải lương Nam bộ. Ông sinh năm Bính Tý (đời Tự Đức thứ 29) tại làng Thạnh Hòa Trung Nhứt, Tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên (nay là phường Trung Kiên, Q. Thốt Nốt, TP. Cần Thơ). Cha là ông Nguyễn Văn Tường, là người rất giỏi chữ Hán, Nho học, mẹ là Trương Thị Thạnh, hai anh, chị của ông là Nguyễn Thị Tại và Nguyễn Văn Sang và người em út là Nguyễn Trọng Lộc.

Thuở còn thiếu niên, Mộc Quán thường được theo cha đi nhiều nơi vì ông Nguyễn Văn Tường là người có mối quan hệ, giao lưu với rất nhiều nho sỹ, chức sắc ở các tỉnh Long Xuyên, Sa Đéc, Châu Đốc….qua đó, Mộc Quán có điều kiện để học hỏi, mở rộng kiến thức xã hội. Sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu từ những năm ông 25, 26 tuổi. Ông sử dụng nhiều bút danh như: Thốc Sơn, Hưng Hoành, Cái Sơn Bô lão, nhưng bút danh Mộc Quán là phổ biến nhất. Ông là người có công cùng với ông Vương Có thành lập gánh hát Tập Ích Ban vào năm 1916, và đưa bản “Dạ cổ Hoài Lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu lên sân khấu cải lương vào năm 1923. Với vai trò thầy tuồng, vừa là tác giả, vừa là đạo diễn của các gánh cải lương lớn ở Cần Thơ, ở Nam bộ những năm đầu thế kỷ XX, Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền đã góp phần đào tạo nên những tài năng, những ngôi sao, những nghệ sỹ tiên phong của sân khấu cải lương Nam bộ như: Huỳnh Năng Nhiêu, Kim Cúc, Kim Lan, Phùng Há…

Qua gần 37 năm cống hiến cho nghệ thuật, Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật. Sự nghiệp sáng tác của ông rất đồ sộ, với nhiều thể loại như: báo chí, thơ ca…nhưng nổi bật hơn cả là lĩnh vực tuồng: tuồng cổ và tuồng xã hội.

Hiện nay, Bảo tàng thành phố Cần Thơ đang lưu giữ bộ sưu tập hiện vật của soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, với trên 20 tư liệu, hiện vật bao gồm thơ ca, các vở tuồng, sổ tay ghi chép …

Xin giới thiệu một số hiện vật tiêu biểu như sau:

SÁCH “PHU THÊ NGỤ LUẬN”

Đây là tập văn xuôi do Mộc Quán - Nguyễn Trọng quyền sáng tác, nhà in Nguyễn Văn Cường, Sài Gòn xuất bản. Sách gồm 02 tập, dày 77 trang, chữ viết tay bằng bút mực xanh, tím. Nội dung nói về đôi vợ chồng cùng nhau bàn tính chuyện làm ăn sinh sống và mơ ước chuyện tương lai; đồng thời tập sách này còn bày tỏ quản điểm phê phán một số hủ tục trong xã hội phong kiến: tang ma, chữa bệnh…

SÁCH “HÁT ĐỐI ĐÁP”

Soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền sáng tác, nhà in J. Việt Sài Gòn xuất bản năm 1916.

Hình chữ nhật, đóng thành tập gồm 30 trang, chữ viết trên giấy kẻ ngang, một phần sau là chữ đánh máy. Nội dung tập sách là những câu hát đối đáp như hát làm quen, trao duyên, hát dứt tình, hát trách bạn, hát ghen…

TẬP THƠ “TRÙNG MA PHỤ GIÁM CA”

Tác phẩm được Mộc Quán sáng tác vào năm 1903, Nhà in J.Việt, Sài Gòn xuất bản năm 1915. Gồm 02 tập, dày 178 trang. Nội dung sách được phân thành các đoạn, nói về việc thai giáo cho đến khi lớn lên, trưởng thành và lập gia đình, cách đối nhân xử thế với gia đình chồng. Trong lời tựa tác giả nêu mục đích “Cho nên phận hạ ngu như tôi đây cũng trộm giấu các đấng tiên giác mà làm ra một tập thơ lục bát để hiệu là Trùng Ma phụ Giám , thủ nghĩa là cái gương soi mặt của đấng tiên giác đã để cho hàng phụ nữ soi chung, song lẽ lâu ngày lu mờ, nay tôi chùi lại cho rõ”.

TRÍCH ĐOẠN CẢI LƯƠNG “PHỤNG NGHI ĐÌNH”

Do Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền sáng tác. Trích đoạn gồm 13 trang, chia thành 03 lớp: Lớp 1 là “Điêu Thuyền bái nguyệt”; Lớp 2 là “”Đãi yến Lữ Bố”; Lớp 3 là “Hồi kết cuộc”. Nội dung trích đoạn xoay quanh mối quan hệ giữa những nhân vật chủ chốt như: Đổng Trác, Lữ Bố, Điêu Thuyền, Vương Tư Đồ…Cốt truyện khắc họa thời kỳ mở đầu sự suy tàn của nhà hậu Hán. Tư tưởng quán xuyến toàn bộ trích đoạn là “Trung quân ái quốc”, “Xả thân vì đại nghĩa”. Đây là một khuynh hướng sáng tác nổi bật, một quan điểm hết sức cơ bản của soạn giả Mộc Quán-Nguyễn Trọng Quyền được thể hiện hầu hết trong các tác phẩm của ông-đề cao những nhân vật hình tượng điển hình là nữ giới.

 GIẤY CHỨNG THƯ

Bảo sao khai sinh ngày 31/12/1923 của cố soạn giả Mộc quán - Nguyễn Trọng Quyền. Khổ giấy hình chữ nhật, chữ viết tay trên cả hai mặt, viết bằng 03 thứ tiếng: Việt, Pháp, Hán.

Phạm Thị Kim Phương

Tài liệu tham khảo:

- Soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền (1876-1953) cuộc đời và sự nghiệp, Sở VHTT tỉnh Cần Thơ, năm 2001.

- Hồ sơ hiện vật số 2105, 2106, 2075, 2076, 2588 lưu trữ tại kho Bảo tàng TP. Cần Thơ.

Tin cùng chuyên mục