Hiệp Định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào ngày 27/1/1973 tại thủ đô Paris, là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện ghi nhận các quyền cơ bản của Nhân dân Việt Nam, sự công nhận chính thức của quốc tế đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Sau gần 5 năm đàm phán, (từ 13/5/1968 - 27/01/1973), với hơn 200 phiên họp công khai, 24 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo và 1.000 cuộc phỏng vấn. Hiệp Định Paris gồm 9 chương, 23 điều; ngoài các nội dung cơ bản như đã trao đổi tại Hội nghị, Hiệp định còn ban hành các Nghị định, thư quy định cách thức thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam.
Trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris về Việt Nam – Cánh cửa đến hòa bình”, do Bảo tàng thành phố Cần Thơ phối hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đã khai mạc từ ngày 13/12/2022, đến nay đã thu hút được 19.707 khách tham quan (trong đó có 1.236 khách nước ngoài và 145 đoàn).
Nhằm tiếp tục phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của Nhân dân về nội dung trưng bày, được sự thống nhất của Sở VHTTDL thành phố Cần Thơ, nhân dịp tổ chức chuỗi hoạt động Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; Kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), ngày Quốc tế Lao động 01/5 và 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023); Bảo tàng thành phố Cần Thơ tiếp tục tổ chức phục vụ khách tham quan trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris về Việt Nam – Cánh cửa đến hòa bình”. Ngoài giới thiệu hơn 150 hiện vật, 79 hình ảnh tại chuyên đề, trong dịp này Bảo tàng thành phố Cần Thơ tổ chức sưu tầm các tư liệu, hiện vât liên quan sự kiện Hiệp định Paris của cán bộ cách mạng ở Cần Thơ để trưng bày bổ sung làm phong phú nội dung, như: Album ảnh lưu niệm của Trung tá Phạm Minh, Chính trị viên phái đoàn Liên hiệp quân sự bốn bên, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1973-1975; Túi đựng máy quay phim do Nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc sử dụng để đựng máy quay phim và một số vật dụng khác trong Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27/01/1973; Tiêu bản máy quay phim ARRIFLEX 16 (Hiện vật cùng loại với máy quay phim được Nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc sử dụng để quay phim trong Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27/01/1973); Áo sơ mi của Đại Đội trưởng Đại đội biệt động thành phố Cần Thơ C824 Võ Tấn Dũng mặc trong trận đánh địch vi phạm Hiệp định Pari, tại Rạch Cái Nai, phường Hưng Thạnh, quận II (nay là quận Cái Răng), thành phố Cần Thơ, ngày 28/01/1973.
Hiệp Định Paris được ký kết, là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; là mốc son thắng lợi trên mặt trận ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, góp phần vào thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; phát huy cao độ những bài học kinh nghiệm từ cuộc đàm phán, ký Hiệp định Paris để xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.
Ảnh: Học sinh trường THCS An Hòa 1 tham quan chuyên đề “ Hiệp Định Paris về Việt Nam – Cánh cửa đến hòa bình”, tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ, tháng 01/2023.
Bài: Hoàng Oanh, ảnh: Diễm Trang