Để đáp ứng yêu cầu bức thiết của công tác giáo dục truyền thống cách mạng đối với các tầng lớp nhân dân, từ năm 1975-1977, Ty Thông tin Văn hóa tỉnh Cần Thơ đã thành lập tổ sưu tầm hiện vật, phân công đồng chí Trần Giác phụ trách, cùng với 02 cán bộ chuyên môn. Đến tháng 6/1978, Ty Thông tin Văn hóa quyết định thành lập Phòng Bảo tồn-Bảo tàng do đồng chí Trần Giác làm Trưởng phòng, với 06 cán bộ nhân viên. Cơ quan tạm trú tại số 01 đường Phan Đình Phùng, TP. Cần Thơ (nay là Thư Viện TP. Cần Thơ). Năm 1979, phòng Bảo tồn -Bảo tàng dời về địa điểm mới tại số 06 đường Phan Đình Phùng, TP. Cần Thơ, với đội ngũ cán bộ được tăng cường về số lượng cũng như chất lượng chuyên môn, số lượng hiện vật cũng được sưu tầm nhiều hơn, công tác trưng bày, tuyên truyền ngày càng được cải thiện, thu hút lượng khách tham quan ngày càng đông.
Nhằm tăng quy mô hoạt động Bảo tồn-Bảo tàng, ngày 31/7/1980, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang ra quyết định thành lập Nhà Bảo tàng tỉnh Hậu Giang. Ngày 03/12/1980, Bảo tàng Hậu Giang khánh thành phòng trưng bày lịch sử đấu tranh chống xâm lược của Đảng bộ, quân và dân Hậu Giang. Đến năm 1981 số hiện vật sưu tầm được tăng lến đến 1.157 hiện vật, năm 1986 là 1.500 hiện vật, cán bộ chuyên môn được tăng cường thêm, loại hình hoạt động được mở rộng, công tác giáo dục truyền thống có bước phát triển mới.
Năm 1992 khi tỉnh Hậu Giang được chia tách thành 2 đơn vị là tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, Bảo tàng Hậu Giang đổi tên thành Bảo tàng tỉnh Cần Thơ. Đến năm 1998, Bảo tàng mới được khởi công xây dựng với diện tích 1200 m2, tổng kinh phí đầu tư là 17,8 tỷ đồng.
Ngày 31/8/2001 Lễ khánh thành Bảo tàng Cần Thơ long trọng tổ chức, đông đảo đại biểu và khách tham quan đến tham dự.
Diện tích sử dụng trong tòa nhà Bảo tàng là 2.700m2, diện tích trưng bày 1.388m2, một tầng trệt là nơi làm việc và lưu giữ hiện vật, hai tầng lầu là nơi trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật. Việc tổ chức trưng bày được thiết kế theo 5 gian với 5 mảng chủ đề lớn:
+ Gian long trọng
+ Gian trưng bày chủ đề “Đất nước con người Cần Thơ”.
+ Gian trưng bày về “lịch sử chống ngoại xâm của quân dân Cần Thơ”.
+ Gian trưng bày về “Thành tựu kinh tế-xã hội Cần Thơ từ năm 1975-2000”.
+ Gian triển lãm chuyên đề.
Ngày 01 tháng 01 năm 2004, tỉnh Cần Thơ được chia tách thành 02 đơn vị hành chính là TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Bảo tàng tỉnh Cần đổi tên cho phù hợp với đơn vị hành chính là Bảo tàng TP. Cần Thơ.
Hiện nay, Bảo tàng TP. Cần Thơ có Ban Giám đốc và 05 phòng trực thuộc:
Ban giám đốc;
Phòng Hành chính-Quản trị;
Phòng Nghiên cứu-Sưu tầm;
Phòng Kiểm kê-Bảo quản;
Phòng Trưng bày-Giáo dục;
Phòng Quản lý di tích;
Thời gian qua Bảo tàng thành phố Cần Thơ nhận được Huân chương lao động hạng Ba theo Quyết định số 78/QĐ.CTN ngày 17/01/2005 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhiều Bằng khen, cờ thi đua của Chính phủ và Ủy ban Nhân dân TP. Cần Thơ. Từ năm 2007 đến nay, Bảo tàng TP. Cần Thơ được xếp loại là Bảo tàng loại 2 theo Quyết định số 1835/QĐ-UBND, ngày 8 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban Nhân dân TP. Cần Thơ, xứng tầm là Bảo tàng trung tâm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (bổ sung thêm thành tích).
Phạm Thị Kim Phương